
- Nhà nước phải có trách nhiệm bù lỗ
Sáng 6-9, tại hội thảo về “Giá thành nước sạch” do Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã đưa ra hai phương án giá nước mới (năm 2007-2008 theo lộ trình 2007-2013) do Viện Kinh tế TP xây dựng. Hầu hết các ý kiến đều không đồng ý với hai phương án giá nước mới này.
Phương án giá nước mới: Dân gánh hết!

Niềm vui của trẻ em ở Nhà Bè khi được dùng nước sạch. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá nước, Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Sỹ Hoàng đã đưa ra các số liệu về 8 loại chi phí phục vụ cho việc sản xuất nước đã tăng trong 3 năm qua, gồm: giá nguyên vật liệu, chi phí vật liệu phụ, năng lượng, chi phí tiền lương, chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí trả lãi vay và các loại chi phí khác. Trong đó, có tính đến mức giá hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc sử dụng nước tiết kiệm.
Theo nhận định của các đại biểu, Sawaco trình bày đủ các cơ sở để tăng giá nước. Tuy nhiên, cả hai phương án về giá nước mới đều chưa được các đại biểu đồng tình. Bởi theo 2 phương án này, khi Sawaco “tính đúng, tính đủ” giá thành sản xuất nước và có nguồn vốn tái đầu tư mà không phải sử dụng nguồn ngân sách thì vô hình trung nhà nước “phủi sạch tay” mọi thứ và để người dân phải gánh chịu hết.
Phát biểu với tư cách là thành viên UB MTTQ TPHCM, ông Đinh Phong bức xúc: “Có một nghịch lý hiện nay là mặt hàng nào cũng muốn tính đúng, tính đủ nhưng lương trả cho người lao động có ai tính đúng, tính đủ đâu. Nếu giá nước tăng gấp rưỡi thì tôi sẽ khoan nước giếng xài”. Đồng tình với ý kiến của ông Đinh Phong, một đại biểu ở huyện Hóc Môn cho biết: Nếu giá nước sạch tăng cao như phương án đưa ra, gia đình ông cũng sẽ xài nước giếng, giá rẻ hơn nhiều.
Ngoài ra, theo nhận định của hầu hết đại biểu, với định mức nước cũ (4m3/người /tháng) và với mức thu nhập hiện nay thì người dân phải xài tiết kiệm lắm rồi nên cách tính định mức theo hộ chắc chắn sẽ gây xáo trộn lớn trong đời sống người dân. Việc đề nghị tăng giá nước theo phương án mới này hơi… khó cho dân!
Theo phương án mới, giá nước đối với các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, thương mại cũng tăng. Thoạt nghe thì hợp lý nhưng cuối cùng thì việc chi trả cho các khoản dịch vụ này cũng dồn về… người dân. Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM trăn trở: 45.000 hộ nghèo (số liệu do Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo TP cung cấp) sẽ được giảm giá theo phương án 1, nhưng với mức thu nhập 6 triệu đồng/hộ/năm (theo chuẩn nghèo của TP) thì dù có được giảm giá, họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phương án 1 | Phương án 2 |
- Click vào bảng và nhấn phím F11 để xem chi tiết - |
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng băn khoăn khi việc tăng giá nước trong điều kiện chất lượng nước hiện nay chưa thật sự đảm bảo, vẫn còn tình trạng nước lúc đục, lúc trong; lượng nước thất thoát còn cao. Việc khắc phục sự cố ống nước bể còn chậm, gây thiệt hại trực tiếp cho khách hàng. Còn nhiều nơi chưa có nước, người dân phải mua nước sạch với giá rất cao. Một đại biểu quận Bình Thạnh cho biết: tại quận này, vẫn còn cảnh người dân phải thức cả đêm để hứng nước sạch!
Vấn đề mà nhiều đại biểu gay gắt nhất là thái độ phục vụ của nhân viên cấp nước trong thời gian qua, mặc dù có được cải thiện nhưng vẫn còn kém. Một đại biểu UB MTTQ huyện Hóc Môn bức xúc nói: Tại trụ sở đơn vị này có đường ống cấp nước đi qua nhưng làm đơn gắn đồng hồ nước đã 4 tháng rồi vẫn chưa được giải quyết. Ông Đinh Phong cho biết, mấy tháng trước khu vực nhà ông nước bị đục phải gọi năm lần bảy lượt nhân viên cấp nước mới đến. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông chỉ sử dụng 300.000 đồng tiền nước nhưng trong tháng nước đục phải xả bỏ nên đóng đến 900.000 đồng mà ngành nước chỉ trừ có 60.000 đồng (?).
Cần có lộ trình
Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự thông cảm với ngành cấp nước khi giá thành nước sinh hoạt thấp hơn giá sản xuất và đồng tình với việc phải tăng giá nước. Nhưng theo họ, việc tăng giá nước sạch phải thực hiện theo lộ trình và phù hợp với sức mua của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, dân nghèo.
Ông Đinh Phong góp ý: “Trong phương án tăng giá nước mới phải tính toán như thế nào để giảm từ từ số tiền ngân sách bù lỗ, có thể theo lộ trình trong 10 năm, chứ không thể một lúc nhà nước phủi sạch tay để người dân gánh chịu hết”. Còn ông Lê Văn Hoàng, Trưởng ban Đại diện người cao tuổi TPHCM cho rằng: “Nếu giá thành nước sạch đã tính đúng, tính đủ theo quy định mà phải bù giá cho một số đối tượng nào đó thì Nghị định 117 của Chính phủ có nêu: Hàng năm, UBND cấp tỉnh phải xem xét, cấp bù ngân sách địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước”. Ngoài ra, giá thành nước sạch phải được tính chính xác vì người dân không thể chấp nhận việc Sawaco muốn tăng giá nước bao nhiêu thì tăng.
Đại biểu HĐNDTP Đặng Văn Khoa còn yêu cầu Viện Kinh tế, Sở Tài chính TP khi tính toán giá thành nước sạch phải rà soát để loại bỏ những chi phí chưa hợp lý. Khi đó, nếu vẫn lỗ thì UBND TPHCM phải có trách nhiệm bù lỗ bằng ngân sách. So với phương án 1 thì phương án 2 phù hợp hơn nhưng trong phương án này nên điều chỉnh định mức. Nếu Sawaco cho rằng, cách tính định mức theo nhân khẩu sẽ gây nhiều thủ tục phiền hà cho dân thì tính theo hộ. Trung bình mỗi hộ phải tính 4 nhân khẩu nên định mức tối thiểu cho mỗi hộ phải là 16m3/tháng, chứ không thể chấp nhận chỉ có 10m3/tháng như phương án đưa ra.
Vân Anh