(SGGPO). – Bộ GD-ĐT vừa cho biết, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) đã công bố kết quả của các nước tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2015.
Kết quả khảo sát của học sinh trong các lĩnh vực khoa học, toán học và đọc hiểu cùng một số thông tin liên quan đến quá trình Việt Nam tham gia PISA cũng như tác động, ảnh hưởng của PISA đến giáo dục Việt Nam.
Học sinh làm bài khảo sát PISA 2015
Theo kết quả PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đánh giá. Chu kỳ PISA 2015 (trọng tâm được đánh giá là lĩnh vực khoa học) cho thấy ở lĩnh vực khoa học, Việt Nam đứng thứ 8 (Top 10); lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22; lĩnh vực đọc hiểu là 32.
So với trung bình kết quả của các nước OECD thì ở lĩnh vực khoa học, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 525 điểm. Kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình các nước OECD 31,4 điểm.
Ở lĩnh vực Toán học, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 490 điểm, của học sinh Việt Nam là 495 điểm. Kết quả kiểm định về sự khác biệt kết quả trung bình của hai mẫu độc lập cho thấy kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn kết quả trung bình của OECD 5 điểm nhưng sự kiểm định lại cho thấy, kết quả Toán học của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.
Ở lĩnh vực đọc hiểu, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 487 điểm. Mặc dù kết quả trung bình lĩnh vực đọc hiểu của Việt Nam thấp hơn trung bình của các quốc gia/vùng lãnh thổ OECD 6 điểm nhưng sự kiểm định cho thấy, kết quả Đọc hiểu của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.
Kết quả PISA 2015 cũng cho thấy một số điểm nổi bật về năng lực của học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực khoa học, toán học, đọc hiểu. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các em đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong bài thi PISA. Đặc biệt, kết quả top 10 ở lĩnh vực khoa học mang đến cho Việt Nam một ý nghĩa quan trọng về sự phát triển năng lực của học sinh, đa số các em đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, phát huy được khả năng lập luận, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học vào giải quyết nhiều tình huống thực tiễn của cuộc sống. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh (gần 10%) đạt kết quả ở cấp độ năng lực khoa học cao nhất (mức 5, 6) cho thấy nhóm học sinh này đủ tự tin để giải quyết những tình huống khoa học và công nghệ phức tạp trong cuộc sống hiện đại.
Khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2015 diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 4-2015 với tổng số mẫu trường tham gia khảo sát PISA 2015 của Việt Nam là 188 trường với 5.826 học sinh trên toàn quốc. Việt Nam tham gia chu kỳ đầu tiên là PISA 2012, chính thức triển khai các hoạt động của PISA vào tháng 3-2010; OECD đã công bố kết quả PISA 2012 vào tháng 12-2013; Việt Nam đã hoàn thành PISA chu kỳ 2015 và hiện nay đang tiếp tục triển khai PISA chu kỳ 2018.
Tham gia PISA là một bước tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam, góp phần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trên lớp học và đánh giá trên diện rộng theo hướng đánh giá năng lực của học sinh; phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập của học sinh và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Đây cũng được coi là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục sau 2015, thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Đối tượng đánh giá theo PISA là học sinh độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.
PHAN THẢO