Quá tải từ nhà máy tới bãi rác tại Lâm Đồng

Lâm Đồng là địa phương có diện tích rộng, hàng ngày phát sinh hơn 1.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên phần lớn rác hiện đang được xử lý bằng hình thức thủ công, chôn lấp bên cạnh các nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Quá tải từ nhà máy tới bãi rác

Bãi rác P'ré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) từ lâu là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Nằm ngay cạnh Khu công nghiệp Phú Hội, bãi rác lộ thiên rộng hơn 3ha hình thành từ nhiều năm trước, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 tấn rác. Rác sau khi tập kết được “xử lý” bằng hình thức chôn lấp, không có hệ thống thu gom, tường rào khép kín.

Ngay từ 10 năm trước, bãi rác nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đến năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định đóng cửa bãi rác P'ré trong giai đoạn 2020-2023, tuy nhiên đến cuối năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gia hạn ấn định thời điểm đóng cửa bãi rác này vào cuối năm 2025.

c8ac58041c95aecbf784.jpg
Nước rỉ ra từ bãi chôn lấp rác P'ré từ lâu là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Còn tại bãi rác tập trung của huyện Lâm Hà (tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà), từ nhiều năm nay, bãi rác thường xuyên bị cháy gây ô nhiễm môi trường. Có những đám cháy tại bãi rác này kéo dài tới 2 tháng khiến cuộc sống của khoảng 400 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

b038b7dbf54a47141e5b.jpg
Bãi chôn lấp rác P'ré. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn không chỉ xảy ra ở các bãi rác mà ở ngay trong các nhà máy xử lý rác. Như tại nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) của Công ty CP Môi Trường Xanh Friendly, do được thiết kế trên đồi cao, lượng rác tập kết về đây không được che chắn nên mỗi khi mưa lớn, nước rỉ rác đã tràn xuống suối Đại Lào chảy về TP Bảo Lộc; vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ nhà máy rác cũng toả ra khu vực lân cận gây ô nhiễm không khí.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh vận hành. Cả hai nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại nhất và có quy mô lớn nhất ở Lâm Đồng từng bị phạt hàng trăm triệu đồng về các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hàng chục lần; cũng không ít lần các nhà máy này hoạt động “cầm chừng” vì thiếu nguồn lực.

Ông La Thiện Luân, Trưởng phòng Phòng Môi trường, Sở NN-MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, hiện trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát sinh khoảng 1.092 tấn rác, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình khoảng 88%, trong đó, tại khu vực đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn đạt 80%. Địa phương có 3 nhà máy xử lý rác đang vận hành tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đơn Dương, xử lý hơn 500 tấn/ngày. Ngoài ra, nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm (giai đoạn 1), tại xã Liên Đầm đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm công suất giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày, còn lại địa phương có tới 10 bãi chôn lấp rác ở các huyện không đảm bảo điều kiện vệ sinh và không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Giải pháp lâu dài

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện lượng rác từ phế phẩm nông nghiệp (rau, hoa) trên địa bàn khá lớn, dự kiến sắp tới, sau sáp nhập, tỉnh có 2 đô thị du lịch lớn là Đà Lạt và Phan Thiết nên nhu cầu xử lý rác thải cũng rất lớn.

“Địa phương đang gặp những khó khăn nhất định trong phân loại rác từ đầu, thực tế có làm thí điểm, nhưng phân loại xong không có từng loại xe phân loại, cuối cùng không hiệu quả. Ngoài ra, diện tích Lâm Đồng lớn, bán kính rộng nên thu gom cực kỳ khó khăn. Nhà máy phục vụ cho 3-4 huyện nhưng khoảng cách di chuyển xa cũng kém thu hút với nhà đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết.

e993ba7febef59b100fe.jpg
Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vừa đưa vào vận hành thử nghiệm, rác sau xử lý sẽ sản xuất phân vi sinh, gạch không nung, nhựa tái sinh với mô hình tuần hoàn, khép kín. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), tại Lâm Đồng, cần coi chất thải là tài nguyên, từ tiêu hủy chất thải sang tái chế chất thải, từ “quản lý chất thải” sang “quản lý tổng hợp chất thải”.

Tin cùng chuyên mục