(SGGPO).- Sáng nay 10-12, kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề được đại biểu (ĐB) đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời chất vấn về lời hứa của các giám đốc sở ngành trước đó.
Bên cạnh vấn đề ùn tắc giao thông, trợ giá xe buýt, cải cách hành chính… phiên chất vấn buổi sáng đi sâu vào lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, ĐB Phạm Hưng Út đặt vấn đề: Nghe Giám đốc Sở Công thương báo cáo về tình hình thực phẩm tại các siêu thị, tôi và người dân an tâm, nhưng đó là bà con có điều kiện và thời gian, còn tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp lại hết sức báo động. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến nòi giống chúng ta trong thời gian dài nên đề nghị HĐND thành phố cần có nghị quyết riêng để giải quyết vấn đề này.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền chất vấn tại kỳ họp. Ảnh Việt Dũng
ĐB Từ Minh Thiện chất vấn: Các cơ quan chức năng TPHCM đã kiên quyết đóng cửa các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa?
Theo yêu cầu chủ tọa kỳ họp, Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP có 246 chợ được quản lý trực tiếp tại các quận huyện, có 179 siêu thị, 37 trung tâm thương mại và 705 cửa hàng tiện lợi. Đây là một hệ thống khá lớn và phủ đầy 24 quận huyện. Vì vậy quan điểm của chúng tôi là trên cơ sở cố gắng làm chắc chắn 246 chợ, sau đó triển khai rộng ra các điểm bán hàng tiện lợi. Tuy nhiên, theo ông Khoa, không chỉ 246 điểm này an toàn mà các điểm khác đều có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên xét về bản chất, nguồn gốc thì nơi cung ứng là khâu quan trọng. Vì vậy, về phía Sở Công thương đã có sự phối hợp khá tốt với Sở NN-PTNT, Sở Y tế để kiểm tra các đơn vị cung cấp trong nội thành TP. Tuy nhiên, hệ thống cung ứng của TP không đủ nên những năm qua Sở Công thương đã thực hiện liên kết cung cầu hàng hóa. Đặc biệt là mặt hàng lương thực thực phẩm với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ vào TPHCM, nhằm mục đích tìm kiếm những nguồn hàng đưa về TP với chất lượng tốt nhất, giá thành chấp nhận được.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Trung cho rằng nguyên nhân lớn nhất chưa thực hiện được an toàn vệ sinh thực phẩm là do... cơ chế. Sở đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như UBND thành phố về bất cập giữa quy định của luật và thực tế, tuy nhiên Bộ vẫn trả lời chung chung. Cụ thể là chất cấm ở gia súc khi phát hiện thì theo quy định của Bộ vẫn có thể giữ lại cho đến khi thải ra hết, điều này rất nguy hiểm vì nếu không cho tiêu hủy những gia súc này có thế phát dịch. Thành phố đã kiến nghị phải cho tiêu hủy hết để tránh nguy cơ lây lan. Ông Nguyễn Phước Trung còn cho rằng, chất cấm gần đây nổi lên do Trung Quốc đang thu hút nguồn heo trên 120 kg đưa qua biên giới và một phần cũng được bán ở trong nước.
Theo ông Trung, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường tần suất và quy mô lấy mẫu ở các hộ sản xuất. Đồng thời phải nâng cao vai trò ban quản lý các chợ đầu mối như một số nước đã làm, đó là test nhanh nếu phát hiện thực phẩm có chất cấm thì không cho nhập vào chợ.
Liên quan đến trách nhiệm của Chi Cục quản lý thị trường, trong phần trả lời của mình, ông Phan Hoàng Kiếm, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý Thị trường TPHCM, báo cáo lòng vòng, chung chung, không thấy rõ trách nhiệm của cơ quan này.
Vân Anh – Đường Loan