Quản lý, sử dụng vốn ngân sách: Nhiều thiếu sót, lãng phí ngày càng lớn

“Nhiều kiến nghị của HĐND TPHCM tại các kỳ họp, cũng như kết quả các đợt giám sát chưa được khắc phục như chi vượt dự toán, các dự án chậm tiến độ, chất lượng kém, lãng phí. Việc quản lý sử dụng vốn ngân sách chưa chặt chẽ, có lúc có nơi thực hiện chưa đúng quy định” – ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP (KT - NS) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo SGGP sau khi giám sát tình hình quản lý và sử dụng vốn ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2006 đến nay.

“Nhiều kiến nghị của HĐND TPHCM tại các kỳ họp, cũng như kết quả các đợt giám sát chưa được khắc phục như chi vượt dự toán, các dự án chậm tiến độ, chất lượng kém, lãng phí. Việc quản lý sử dụng vốn ngân sách chưa chặt chẽ, có lúc có nơi thực hiện chưa đúng quy định” – ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP (KT - NS) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo SGGP sau khi giám sát tình hình quản lý và sử dụng vốn ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2006 đến nay.

- PV:
Thưa ông, đâu là điểm đáng chú ý nhất trong đợt giám sát về việc quản lý sử dụng vốn ngân sách lần này?

- Ông HUỲNH CÔNG HÙNG:
Nhìn chung việc quản lý vốn ngân sách còn nhiều thiếu sót và không chặt chẽ, còn lãng phí, kém hiệu quả. Riêng vốn ODA chưa có quy chế đầu mối thống nhất quản lý nên không quy được trách nhiệm và không đánh giá được hiệu quả đầu tư.

Mặc dù HĐND TP đã nhắc nhở nhiều lần nhưng việc chi vượt dự toán vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể chi cho đầu tư phát triển trong năm 2006, đã vượt 62,21% so với dự toán đầu năm. Chi cho quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể vượt 40,83% so với dự toán; chi cho sự nghiệp y tế vượt 23,6%; chi cho giáo dục vượt 24,48% và chi cho an ninh quốc phòng vượt 15,97%.

- Qua đợt giám sát này, Ban KT - NS đánh giá như thế nào về hiệu quả các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách?

- Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đa số đều chậm tiến độ. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư có trên 85% dự án chậm tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng, điều chỉnh bổ sung hạng mục, quy mô, tổng mức đầu tư. Cụ thể, dự án Cảng sông Phú Định (quận 8) được UBND TP phê duyệt từ cuối năm 2005 nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Riêng dự án tái định cư 4 ha cho dự án này mất hơn 2 năm làm thủ tục đầu tư với 108 văn bản nhưng vẫn chưa khởi công được. Dự án khu dân cư Phú Lâm C mở rộng ở phường An Lạc A, quận Bình Tân được phê duyệt từ năm 1996 cho đến nay hơn 10 năm vẫn chưa xong hạ tầng…

- Theo ông đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này?

- Đó là do việc phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm, nên từ thủ tục đầu tư đến giải tỏa đền bù gặp nhiều vướng mắc, không giải quyết kịp thời dẫn đến chậm tiến độ. Thủ tục đầu tư chậm tại hai Sở Xây dựng và Quy hoạch – Kiến trúc.

Điển hình là dự án giai đoạn 2 chợ thực phẩm đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) thuộc nhóm B, theo quy định thời gian phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật không quá 30 ngày làm việc, nhưng thực tế phải mất 5 tháng mới có được quyết định phê duyệt của Sở Xây dựng.

Tương tự, dự án giai đoạn 2 Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định (quận 8), cũng thuộc nhóm B, sau 5 tháng chờ đợi, Ban quản lý dự án nhận được thông báo của Sở Xây dựng là… chưa có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật! Một nguyên nhân quan trọng nữa là năng lực chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, thi công còn yếu, vấn đề này đã nêu ra nhiều năm rồi, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Việc chậm tiến độ, chất lượng công trình kém, lãng phí chẳng những chưa được khắc phục mà ngày càng lớn hơn.

- Vì chậm tiến độ nên nhiều dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư?

- Đúng là có chuyện đó, qua giám sát khảo sát bước đầu (số liệu chưa đầy đủ) chúng tôi được biết có 11 dự án vì chậm tiến độ nên phải điều chỉnh vốn đầu tư. Từ khi được duyệt với số vốn là 2.896,184 tỷ đồng đến khi dự án chậm tiến độ phải điều chỉnh vốn lên trên 5.500 tỷ đồng, tăng gần 50%.

Mỗi năm dự án chuyển tiếp ngày càng nhiều, nếu như năm 2005, có 365 dự án chuyển tiếp (tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng) thì đến năm 2007 có tới 520 dự án chuyển tiếp (tổng vốn gần 6.900 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ vay của TP ngày càng lớn, năm 2004 vay từ ngân hàng, kho bạc, trái phiếu là 2.550 tỷ đồng thì đến năm 2006 con số vay gần 8.800 tỷ đồng, gấp 4 lần.

Tình hình trên cho thấy công tác quản lý và sử dụng vốn vẫn còn nhiều lãng phí, hiệu quả chưa cao và có hiện tượng đầu tư dàn trải.

- Ban KT - NS HĐND TP đã có ý kiến như thế nào với UBND TP?

- Về mặt khách quan, thủ tục đầu tư còn phức tạp, dễ gây khó khăn nhũng nhiễu khi tiến hành lập thủ tục cho đến khi quyết toán, giải ngân. Nhiều quy định không phù hợp, luật, văn bản pháp quy ban hành chậm có hướng dẫn hoặc thiếu quy định như đơn giá, thuê giám sát và việc đấu thầu có nhiều điểm không phù hợp với thông lệ quốc tế.

UBND TP cần khẩn trương rà soát lại thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để kiến nghị Trung ương những vấn đề vướng mắc, cải tiến thủ tục thuộc thẩm quyền. Cần khắc phục những dự án chậm tiến độ, tăng cường kiểm tra thanh tra, việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách và các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để chấn chỉnh hoặc xử lý nghiêm nếu có xảy ra sai phạm.

Chúng tôi cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở KH-ĐT, Kho bạc Nhà nước TP rà soát quy định về quản lý sử dụng vốn ODA để có sự quản lý tập trung, chặt chẽ. Cũng cần nói thêm rằng ngân sách Trung ương phân bổ cho thành phố thấp, nhiều lĩnh vực và định mức không phù hợp mà thành phố phải “gánh” quá lớn như giao thông, xử lý rác thải, y tế, giáo dục, chi trợ giá xe buýt…

- Xin cảm ơn ông! 

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục