Quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện: Kết quả không thể đo đếm

Quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện: Kết quả không thể đo đếm

Hôm qua 13-5, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức buổi tọa đàm với báo chí về các vấn đề xung quanh Nghị quyết 16/2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện. Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, TPHCM đã cai nghiện cho 36.244 lượt người, trong đó 30.681 người đã được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện.

Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ LĐTB-XH và TPHCM, việc thực hiện đề án này đã mở ra một hướng đi mới trong công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy; thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo hết sức tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có thời kỳ lầm lạc.

Quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện: Kết quả không thể đo đếm ảnh 1

Nữ học viên lao động tình nguyện tại cơ sở chế biến nông sản của Trung tâm chữa bệnh Phú Văn. Ảnh: M.H.

Tuy nhiên, khi nghe Chính phủ báo cáo, nhiều ý kiến tại kỳ họp Quốc hội (QH) lần này đã cho rằng: việc thực hiện đề án này là thất bại và cần phải dừng lại, không nên tiếp tục thực hiện tiếp. Nhiều ý kiến trên công luận cũng cho rằng TPHCM đổ ra trên 1.000 tỷ đồng thực hiện đề án nhưng chỉ để thu về... 1 bài học.

Những đánh giá này theo Bộ LĐTB-XH là không khách quan. Điều này cũng gây dư luận không tốt cho TPHCM. Tại cuộc tọa đàm hôm qua, ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho rằng, những kết quả mà UBND TPHCM đã đạt được khi thực hiện đề án này là không thể đo đếm được.

Ít nhất, trong vòng 5 năm thực hiện đề án, nhận thức của xã hội, của cộng đồng đối với việc cai nghiện phục hồi đã tăng lên rất nhiều; số tội phạm trên địa bàn giảm mạnh (từ 16.000 đối tượng còn 9.000 đối tượng); người nghiện được cách ly khỏi môi trường dễ gây nghiện để học nghề, học văn hóa... “Nếu ai đó đặt vấn đề TPHCM chi trên 1.000 tỷ đồng chỉ để đổi lấy hơn 300 triệu đồng (là số tiền thu được từ thành quả lao động của các học viên); hay để đổi lấy bài học kinh nghiệm là không thỏa đáng.

Chỉ tính bài toán: nếu không thực hiện đề án thì trên 30.000 người nghiện, trong vòng 5 năm qua đã tốn trên 3.000 tỷ đồng tiền hút, hít ma túy (mỗi đối tượng nghiện trung bình xài hết 50.000 đồng tiền thuốc/ngày); đó là chưa kể đến các tác động khác: tội phạm, lây nhiễm HIV...” - ông Minh nói.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, Chính phủ đề nghị QH cho phép được bảo lưu thời gian của những trường hợp đã đưa người sau cai tham gia đề án này đến khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực (hết năm 2008). Ngoài ra, từ thực tế thực hiện đề án này, Chính phủ đề nghị QH luật hóa Nghị quyết với các nội dung (để đưa vào Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy).

Cụ thể, đề nghị QH khẳng định rõ 2 biện pháp cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Hình thức cai nghiện là tại gia đình - cộng đồng (thời gian cai 6-12 tháng) và cai nghiện tập trung (1-2 năm). Quy định thời gian quản lý người sau cai nghiện là 1-3 năm. Đặc biệt, Chính phủ cũng đề nghị luật cần quy định rõ chính sách, chế độ khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia công tác cai nghiện, tạo việc làm cho người đã cai nghiện để từng bước xã hội hóa công tác này. Để khuyến khích công tác xã hội hóa công tác cai nghiện, Chính phủ cũng đề nghị QH miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 

Q.PHƯƠNG

TPHCM tiếp tục kiến nghị được kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 16

Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài vừa chính thức có báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 16 về thực hiện thí điểm Đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại TPHCM” gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan. Đến nay, TP đã tái hòa nhập cộng đồng cho 13.771 người sau cai nghiện, trong đó hơn 71% có việc làm với thu nhập từ 800 ngàn đến 2 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, nhân văn và an ninh chính trị, TP tiếp tục kiến nghị: nếu Quốc hội cho dừng việc thực hiện Đề án thí điểm (tháng 8-2007) và trong khi chờ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực, thì cho phép TP được tiếp tục thực hiện chu trình cai nghiện theo Nghị quyết 16 đối với số người nghiện còn đang tập trung học tập, giáo dục tại các cơ sở chữa bệnh và dạy nghề (khoảng 6.000 người).

Đ.LOAN

Tin cùng chuyên mục