Quan tâm đến lợi ích của người dân khi thu hồi đất

Tuần này Quốc hội sẽ dành thời lượng lớn để thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi. Vừa qua, ở cả 2 văn kiện rất quan trọng này, người dân đều quan tâm đặc biệt đến vấn đề đất đai. Báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh nội dung này.

Tuần này Quốc hội sẽ dành thời lượng lớn để thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi. Vừa qua, ở cả 2 văn kiện rất quan trọng này, người dân đều quan tâm đặc biệt đến vấn đề đất đai. Báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh nội dung này.

  • ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH: Tránh lạm dụng trong thu hồi đất của dân

Luật Đất đai sửa đổi lần này đã có nhiều sửa đổi theo hướng tích cực, tiến bộ, khắc phục được những tồn tại mà luật cũ để lại, gây ra tình trạng đến 80% khiếu kiện tố cáo là liên quan đến vấn đề đất đai. Chỉ có một điều cần chú ý là vấn đề thu hồi đất. Thu hồi đất đối với công trình quốc gia quan trọng, liên quan đến an ninh quốc phòng thì không phải bàn đến, nhưng thu hồi đất của dân để làm các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì còn rộng quá. Rộng thế rất dễ dẫn đến lạm dụng, mà thực tế thời gian qua đã có lạm dụng. Một số lãnh đạo chính quyền địa phương đã lợi dụng kẽ hở của luật, lợi dụng vị trí của mình để thu hồi đất của dân với giá rất rẻ, sau đó cấp cho doanh nghiệp, chủ đầu tư. Rồi chính những chủ đầu tư này lại cùng với những người có chức có quyền ở địa phương để ăn chia chênh lệch về giá đất, khiến dân bất bình. Vì vậy, lần này sửa phải đảm bảo hài hòa được lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đặc biệt là quan tâm đến lợi ích của người dân.

  • ĐBQH Lê Công Đỉnh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An: Cần sớm cụ thể hóa chủ trương tích tụ ruộng đất

Trong phạm vi Luật Đất đai hiện tại có thể thấy bất cập, đó là thời hạn giao đất, sử dụng đất nông nghiệp chỉ có 20 năm, trong khi đất ở là lâu dài, đất kinh doanh là 70 năm. Điều này tác động đến quyền thừa kế của nông dân trồng cây lâu năm hoặc có các công trình thu hồi đất khi đã cận kề thời điểm 20 năm và tạo bất an về sản xuất. Tôi đề nghị xem xét nâng định mức này lên thành lâu dài, hoặc chí ít là 50 năm như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp này. Điều này sẽ tạo thế an tâm sản xuất cho nông dân.

Ngoài ra, vấn đề tích tụ ruộng đất và phát triển kinh tế trang trại, tình trạng ly nông và ly hương hiện đã trở nên phổ biến và trong tầm nhìn trung hạn khó có thể thay đổi khuynh hướng này. Việc tích tụ ruộng đất là tất yếu, trong phạm vi này tích tụ ruộng đất lại tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và tạo sản phẩm tiêu chuẩn hóa. Theo kinh nghiệm của các nước xung quanh, trang trại trên 25ha là mức tối thiểu để có khả năng phát triển bền vững trong áp lực kinh tế thị trường. Do đó tôi đề nghị cần sớm cụ thể hóa chủ trương tích tụ ruộng đất sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển.

  • ĐB Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ: Cần sửa sai trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Một thực tế cần chỉ ra khi bàn về vấn đề đất đai lần này, đó là việc tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức và cá nhân sử dụng đất theo Nghị quyết Quốc hội đến nay đạt 88,4% như báo cáo. Tuy nhiên, qua giám sát tại các địa phương, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ thì việc tổ chức đo, vẽ, đăng ký cấp giấy quyền sử dụng đất những năm 1993 theo Chỉ thị 299 có quá nhiều sai sót, tỷ lệ sai sót lên tới trên 50% trên tổng số hộ được cấp giấy. Do lúc này chúng ta cấp giấy đại trà, việc thực hiện không đúng quy trình thủ tục quy định.

Ở Cần Thơ, qua giám sát tôi phát hiện một hộ đã đăng ký trùm lên 20 hộ khác với 5.000ha đất thổ cư, hiện đang kiến nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết. Từ thực tiễn trên, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT có văn bản chỉ đạo ngành TN-MT, UBND các cấp tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát để sửa sai trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa qua.

LÂM NGUYÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục