Quản trị và hành chính công cấp tỉnh: Giậm chân tại chỗ!

Sáng 14-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014.
Quản trị và hành chính công cấp tỉnh: Giậm chân tại chỗ!

(SGGPO).- Sáng 14-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014.

Chưa có cải thiện đáng kể

Theo các chuyên gia tiến hành khảo sát, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2014 cho thấy một bức tranh toàn cảnh “giậm chân tại chỗ” so với xuất phát điểm vào bốn năm trước, năm 2011. Trong sáu lĩnh vực được đo lường: sự tham gia của người dân, minh bạch, giải trình, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công, thì điểm trung bình của toàn quốc có phần suy giảm ở lĩnh vực đầu và chỉ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên ở năm lĩnh vực còn lại.

Một trong những mảng vấn đề quan trọng nhất của khảo sát PAPI là những chỉ báo về tình hình tham nhũng và mức độ phổ biến, nghiêm trọng của những tập quán tham nhũng ở Việt Nam. Đánh giá của người dân về hiện trạng tham nhũng trong khu vực công cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền ít có chuyển biến tích cực. Trong một số lĩnh vực, mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh có xu hướng gia tăng.

Hiện tượng phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có tới gần 50% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống.

Khảo sát PAPI năm 2014 tiếp tục đo lường trải nghiệm của người dân với các hành vi vòi vĩnh của cán bộ, công chức khi đi làm các dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục tiểu học công lập… Theo đó, khoảng 24% số người đi làm sổ đỏ đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014; để được phục vụ tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện, khoảng 12% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế; để con em nhận được sự quan tâm ở trường tiểu học, có tới 30% số phụ huynh phải “bồi dưỡng thêm” cho giáo viên.

Tất cả những con số này cho thấy hiện tượng tham nhũng vặt có xu hướng tăng so với năm 2012 (năm 2012, theo tỷ lệ tương ứng là chỉ có 17% số người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 10% số người sử dụng dịch vụ bệnh viện công tuyến huyện và 12% số người có con em học tiểu học).

“Những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi. So sánh với kết quả phân tích của năm bản lề 2011, mức độ cải thiện hiệu quả tham nhũng ở cấp tỉnh có dấu hiệu chậm lại sau bốn năm”, nhóm chuyên gia nhận định.

 

Cho đến nay, PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Trong năm 2014, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của 13.552 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên, đại diện cho dân số Việt Nam.

 

Khảo sát cũng cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền cấp tỉnh năm 2014 hầu như không thay đổi so với các năm trước. Trên phạm vi toàn quốc, chỉ có khoảng 40% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra tại địa phương và chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ là dám tố cáo các hành vi đó.

Theo Báo cáo, trên toàn quốc chỉ 16% người dân biết tới thông tin về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương mình, mặc dù điều này đã được quy định rõ trong Pháp lệnh dân chủ cơ sở, và là một trong những mối quan tâm cơ bản nhất của người dân. Con số này thậm chí còn giảm 20% so với 4 năm trước.

Một điểm đáng quan ngại nữa là sự bất bình đẳng giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội. Ở cùng một địa phương, người nghèo, người có học vấn thấp hơn, và người thiểu số có xu hướng đánh giá chất lượng của dịch vụ công và các khía cạnh khác của quản trị thấp hơn. Rõ ràng là ở đây có phân biệt đối xử, và có vẻ các công dân có “sức mạnh” hơn (qua học vấn hay thu nhập) thì nhận được một sự đối xử ưu ái hơn từ bộ máy công quyền. 

Miền Trung và miền Nam được đánh giá cao hơn

Cũng như các lần khảo sát trước đây, chính quyền các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam được người dân đánh giá cao hơn so với các tỉnh thành phía Bắc. Riêng năm 2014, có tới 12 tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất là các địa phương miền Trung và phía Nam. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, TPHCM được đánh giá cao hơn so với Hà Nội trong việc kiểm soát tham nhũng; Cần Thơ và Đà Nẵng đạt điểm cao hơn nhiều so với Hải Phòng.

Cụ thể, so với năm ngoái, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn giữ được vị trí của mình trong nhóm đứng đầu. Vĩnh Long và Quảng Trị đã có những tiến bộ đáng kể về điểm số. Ở tốp giữa, Quảng Ngãi và Bình Dương cũng có cải thiện tốt. Ninh Bình, Cà Mau và Hà Nam là những tỉnh thuộc nhóm yếu nhất trong năm ngoái, nhưng đã có sự “bứt tốc” đáng ghi nhận.

Ngược lại, Cần Thơ, Hà Giang, Khánh Hoà, Cao Bằng, Điện Biên là những tỉnh mà mức độ hài lòng chung của người dân suy giảm nhiều so với năm 2013.

Trong số những thành phố trung ương, Đà Nẵng và TPHCM đứng ổn định trong nhóm đầu bảng. Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ đều đứng ở nửa dưới của bảng và cũng thuộc vào những tỉnh bị sụt điểm.

PAPI là chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.

Chỉ số PAPI được cấu thành từ việc tính toán, tổng hợp từ 5.796 biến số cấu thành chỉ tiêu, nhóm thành 1.368 biến số cấu thành chỉ số thành phần và 378 biến số cấu thành sáu lĩnh vực nội dung.

Tính đến năm 2014, Chỉ số PAPI đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc qua 4 năm liên tục. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục