Quảng Bình: 10 năm trùng tu làm biến dạng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

UBND huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) sau 10 năm trùng tu tôn tạo nhưng không bàn giao khiến người dân và địa phương khó khăn trong hành hương chiêm bái. Điều đáng nói, việc trùng tu đã làm biến dạng nhiều hạng mục của di tích này.

Theo truyền thuyết, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong 4 vị thánh Tứ Bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ tát.

Năm 1995, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định công nhận đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo vì những giá trị văn hóa của di tích gắn liền với lịch sử hàng trăm năm nay.

Trước khi tôn tạo, người dân trong vùng Quảng Trạch hành lễ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới tán cây rợp bóng

Trước khi tôn tạo, người dân trong vùng Quảng Trạch hành lễ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới tán cây rợp bóng

Một thời gian sau, Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm xin trùng tu tôn tạo đền thờ. Theo đó, ngày 10-7-2013, UBND tỉnh Quảng Bình có công văn số 1567/QĐ-UBND phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo di tích lịch sử đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh cho Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm (Đồng Hới) thực hiện. UBND xã Quảng Đông, UBND huyện Quảng Trạch cùng phối hợp thực hiện. Cuối năm 2015 bàn giao cho địa phương.

Quảng Bình: 10 năm trùng tu làm biến dạng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ảnh 2 Quảng Bình: 10 năm trùng tu làm biến dạng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ảnh 3

Khu vực hậu cung đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trước trùng tu năm 2013, sau khi trùng tu năm 2015 đã chặt hết cây, đưa các kiến trúc mới vào rất khiên cưỡng

Tuy nhiên mãi từ đó đến nay đã gần 10 năm, Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm nhiều lần trễ hẹn, không bàn giao. Theo người dân địa phương, việc trễ hẹn là do hậu cung đền chính đã bị bê tông hóa không còn như xưa. Cụ thể, cổng tam quan đền, trước đây có một số cây mọc râm mát, cổng long đình hộ pháp có miếu che cổ kính thì cổng mới lại đập ra xây lại, cưa luôn nhiều cây lớn rêu phong. Cùng đó, tại điện chính, Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm bứng cây, đập khuôn viên cổ, đắp lên các cột trụ cao, lấy các linh vật mới về dựng lên khiến dư luận không đồng tình.

Cổng tam quan đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trước khi trùng tu chụp năm 2007

Cổng tam quan đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trước khi trùng tu chụp năm 2007

Cổng tam quan đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh sau khi trùng tu, chụp năm 2023

Cổng tam quan đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh sau khi trùng tu, chụp năm 2023

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết: “Tiếng là phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm nhưng 10 năm qua, công ty này làm gì, xây dựng hạng mục mới nào hoặc đập bỏ cổng cũ, bứng cây cổ thụ khỏi khu vực 1 của di tích lịch sử cấp tỉnh này đều không cho địa phương biết”.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngày 1-2-2023 sẽ đích thân kiểm tra chấn chỉnh và yêu cầu đơn vị có biện pháp bảo vệ di tích lịch sử, tín ngưỡng hàng trăm năm này.

Trước đó, năm 2015, đơn vị trùng tu đưa những linh vật lạ, không hợp thuần phong mỹ tục về dựng ở đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, khiến Trung tâm Văn hóa huyện Quảng Trạch yêu cầu di dời 2 sư tử đá ra khỏi khu vực 1.

Năm 2015, huyện Quảng Trạch từng chỉ đạo đưa 2 sư tử đá khỏi đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Năm 2015, huyện Quảng Trạch từng chỉ đạo đưa 2 sư tử đá khỏi đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Tin cùng chuyên mục