(SGGPO).- Chiều 5-6, Phó Chủ tịch UBNDTPHCM Nguyễn Hữu Tín đã có buổi làm việc các sở ngành liên quan về đề án quảng cáo trên xe buýt.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, mục tiêu quảng cáo trên xe buýt tạo nguồn thu nhằm giảm trợ giá cho xe buýt từ ngân sách và đầu tư thực hiện nhận diện xe buýt (tức đánh số theo tuyến chứ không ghi các tuyến đường như hiện nay). Để giảm thiểu chi phí trợ giá, kể từ năm 2008, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị UBND TP cho phép ngành giao thông khai thác quảng cáo thương mại trên hệ thống xe buýt của TP.
Theo tính toán của Sở GTVT vào thời điểm đó thì với khoảng 3.000 xe buýt sẽ mang về cho ngân sách chừng 100 tỷ đồng/năm tiền quảng cáo, giúp giảm trợ giá từ ngân sách khoảng 50 tỷ đồng (sau khi trừ các chi phí khai thác quảng cáo, chia sẻ lợi nhuận…). Ngân sách TP phải trợ giá cho xe buýt hoạt động ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2008 mới trợ giá hơn 570 tỷ đồng, năm 2009 gần 700 tỷ đồng, năm 2010 lên hơn 730 tỷ đồng, năm 2011 đã gần 1.270 tỷ đồng, năm 2012 vượt mốc 1.400 tỷ đồng, năm 2013 trên 1.300 tỷ đồng.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Quảng cáo trên xe buýt không chỉ đơn thuần là sơn vẽ trên thành xe buýt mà còn xác định cơ chế đấu thầu khai thác, kêu gọi nhà đầu tư, phân chia nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: “Mặt dù, đề án của Sở GTVT đưa ra nhiều vấn đề, tuy nhiên mục tiêu chính quảng cáo nhằm giảm tiền trợ giá từ ngân sách TP. Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu chi tiết hình thức và nội dung quảng cáo đảm bảo văn minh, thuần phong mỹ tục, đạo đức. Trước hết cần xây dựng một số tuyến xe buýt để quảng cáo thí điểm".
Quốc Hùng