Quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nổ”

Chưa lúc nào thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng bá rầm rộ như hiện nay trên đủ các loại phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo luôn mập mờ và dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, các hình thức quảng cáo cũng có phần biến tướng. Chất lượng thực sự có đúng như những gì mà sản phẩm được giới thiệu hay không thì ít ai kiểm chứng được.
Quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nổ”

Chưa lúc nào thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng bá rầm rộ như hiện nay trên đủ các loại phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo luôn mập mờ và dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, các hình thức quảng cáo cũng có phần biến tướng. Chất lượng thực sự có đúng như những gì mà sản phẩm được giới thiệu hay không thì ít ai kiểm chứng được.

Trị bá bệnh

Liếc qua một số tờ báo, kênh truyền hình, chúng tôi không khó khăn gì để tìm ra các loại TPCN, từ cho bà mẹ, trẻ em đến cho đấng mày râu, thanh nữ. “Đối với tình trạng xuất tinh sớm, các chế phẩm từ hải cẩu này có tác dụng hỗ trợ rất hiệu quả, hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, tác dụng thông qua quá trình cân bằng hormones và trung khu cảm xúc dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát được cả quá trình “yêu”. Đó là một đoạn trong bài viết về sản phẩm viên nang hải cẩu Bill Seal Oil 500mg (chai 100 viên) được đăng trên một tờ báo ở TPHCM.

Thực phẩm chức năng được quảng cáo trên một số báo. Ảnh: Tg.LÂM

Thực phẩm chức năng được quảng cáo trên một số báo. Ảnh: Tg.LÂM

Tựa đề cho bài quảng cáo sản phẩm trên nghe rất kêu: “Hồng quần núp bóng tùng quân” nhưng chung quy lại là vấn đề yếu sinh lý, rối loạn cương dương ở nam giới, để từ đó nói lên tác dụng của Bill Seal Oil 500mg. Còn trên một tờ báo khác là một bài viết dài của bác sĩ với tựa “Giải tỏa nỗi lo tuổi tiền mãn kinh” và lồng ghép vào đó là sản phẩm OP.Calife.

Sản phẩm này không hề được thông tin là thuốc hay TPCN nhưng được giới thiệu là bào chế từ 15 loại dược liệu quý giúp phụ nữ cải thiện tốt sức khỏe nhằm giảm thiểu các rối loạn do mãn kinh mang đến. Một sự lập lờ dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Chỉ với một cú click chuột trên internet có thể tìm thấy hàng loạt TPCN được rao với những lời lẽ đường mật. Gọi điện vào số máy 09120802XX, giọng một phụ nữ tự giới thiệu tên Hằng ở TPHCM cho biết đã nhiều năm nay chuyên phân phối các loại TPCN trên thị trường. Trong đó có những loại “đặc biệt”, kể cả điều trị ung thư, tiểu đường như A.Umi. Chị ta nói loại thuốc này xuất hiện trên thị trường từ hơn 3 năm nay và là loại xách tay từ Mỹ về chứ thị trường Việt Nam không có phân phối.

Sau khi nghe chúng tôi trình bày bệnh tình, chị ta cam đoan cứ uống từ 3 tháng trở lên hết bệnh liền. Để tăng thêm lòng tin, chị ta kể: “Mẹ tôi được bác sĩ chỉ định xạ trị rồi truyền thuốc. Trong thời gian đó, bà rất mệt mỏi. Thật may được một người bạn giới thiệu cho một loại thực phẩm chức năng Umi. Từ đó mẹ tôi dùng liên tục để hỗ trợ điều trị. Thật hiệu quả, mẹ tôi hết bệnh và không còn cảm giác mệt mỏi nữa”.

Hàng trăm TPCN khác trị đủ thứ bệnh, thậm chí bách bệnh cũng được rao tràn lan trên các trang mạng mà nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chẳng ai kiểm chứng được. Thực tế, không ít lương y cho rằng, nhiều TPCN chẳng qua chỉ là thuốc Đông y “đội lốt”.

Duyệt một đằng, quảng cáo một nẻo

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), rất nhiều loại TPCN được quảng cáo “thổi phồng” không đúng với nội dung mà cơ quan này đã duyệt. Đơn cử như năm 2011 vừa qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã xử phạt hàng loạt cơ sở vì đã “thêm phép màu” cho sản phẩm của mình. Chẳng hạn như tờ rơi sản phẩm TPCN Trắng bền Saman được quảng cáo có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh; sản phẩm TPCN viên giảm cân X2 trên tờ rơi có nội dung không đúng với nội dung đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo TPCN viên nang Kình Nguyên Khang có nội dung không phù hợp với nội dung đã đăng ký; quảng cáo TPCN viên nang mềm Younger và viên nén bao phim Vit-Hair có nội dung không đúng nội dung đã đăng ký…

Điều đáng nói, theo TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều cơ sở bị xử phạt tới 2 - 3 lần nhưng vẫn cố tình tái phạm. Trong đó, hành vi vi phạm chính vẫn là quảng cáo không đúng sự thật, không đúng nội dung mà cơ quan chức năng đã cho phép, lừa dối người tiêu dùng…

Từ đầu năm đến nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra và phát hiện, xử phạt 56 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có tới 41 cơ sở kinh doanh TPCN. Đáng quan ngại là vi phạm về quảng cáo được ghi nhận tới 30 lượt cơ sở (chiếm 51,72%).

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết ngoài vi phạm về quảng cáo là chủ yếu, còn có các hình thức vi phạm khác như công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn sản phẩm không đúng, thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện, vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. “Từ đầu năm đến nay đã thu hồi 2 giấy tiếp nhận đăng ký quảng cáo do cơ sở thổi phồng sản phẩm nghiêm trọng; thu hồi (tờ rơi, áp phích...) không đúng nội dung cho phép để tiêu hủy…

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thanh Phong, những gì phát hiện được còn rất hạn chế so với thực tế. Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ 1-1-2013) có sự “chỏi” nhau với Luật An toàn thực phẩm.

Theo Luật Quảng cáo, cơ sở yêu cầu phải có giấy đăng ký chất lượng sản phẩm trước khi đăng ký quảng cáo, nhưng hiện Bộ Y tế không cấp giấy này kể từ khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (1-7-2011). Do đó, cơ sở muốn xin giấy đăng ký chất lượng sản phẩm để bổ sung hồ sơ thì cũng không ai cấp. Mặt khác, Luật Quảng cáo chỉ yêu cầu doanh nghiệp thông báo nội dung quảng cáo chứ không cần nộp nội dung để thẩm định. Trong khi Luật An toàn vệ sinh thực phẩm quy định trước khi quảng cáo phải nộp nội dung quảng cáo để thẩm định và chỉ được quảng cáo khi nội dung đã được duyệt. “Với quy định của Luật Quảng cáo sẽ tạo điều kiện sơ hở “lách” việc quảng cáo, thổi phồng TPCN mà nội dung không kiểm soát được”, TS Nguyễn Thanh Phong nói.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có hơn 20.000 sản phẩm TPCN với hàng ngàn công ty kinh doanh, phân phối (kể cả đa cấp), sản xuất. Thế nhưng, vấn đề chưa kiểm soát được là giá cả. Có loại chi phí một tháng lên tới gần cả triệu đồng như Rocket 1h, Genshu, M-Phé, Thiên Mã Nhục Thung Dung, Khang Hy Dược… Mức giá trung bình của nhiều loại TPCN cũng 500.000 - 600.000 đồng như Bổ thận PV, Khang Dược, Nam Thận Bảo…


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục