Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang

Dự án khu đô thị An Phú Sinh, TP Quảng Ngãi, được triển khai thực hiện từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều hạng mục thi công vẫn còn dở dang, khiến người dân thuộc quy hoạch khu đô thị này... chịu khổ.

Dự án khu đô thị An Phú Sinh được UBND TP Quảng Ngãi phê duyệt Quyết định đầu tư năm 2011 với diện tích gần 43ha, tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Bất động sản Thiên Bút làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các công trình nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình công cộng khác.

Từ năm 2011 đến nay, dự án đã triển khai xây dựng được một phần diện tích với nhà ở liền kề, hạ tầng và công trình công cộng. Riêng một phần diện tích vẫn chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, việc thi công dang dở, khiến người dân phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) chịu khổ.

Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang ảnh 1 San lấp, thi công đường dang dở đã tạo ra những vũng nước đọng mỗi khi mưa xuống. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang ảnh 2 Nước đọng vũng lớn tại dự án khu đô thị An Phú Sinh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Phạm Thị Tài (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) cho biết: “Chủ đầu tư chỉ mới đền bù đất ruộng, còn khu vực đất ở thì chưa đền bù. Suốt hàng chục năm nằm trong vùng quy hoạch, dân không được sửa chữa, tách thửa, xây dựng mới”.

Căn nhà bà Tài đã xây dựng cách đây 30 năm, xuống cấp nhưng chưa thể xây sửa. Đó là chưa kể, bà có 6 đứa con, muốn tách thửa cũng không được.

Con đường phía trước nhà bà Tài và hàng chục hộ dân khác vẫn là ngổn ngang đất, cống tròn bê tông, cống thoát nước thi công dang dở. Mỗi khi trời mưa, nước đọng thành vũng lớn vì không thoát được, bùn đất hai bên đường sình lầy, xe qua lại trơn trượt, người dân phải lội nước để vào được nhà ở.

Bà Tài cho biết: “Không có hệ thống thoát nước, mỗi mùa mưa lũ, nước ngập đường, gà vịt nuôi đều chết hết, nhà cửa thì nước tràn vào”.

Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang ảnh 3 Chỉ sau cơn mưa, nước đã ngập đường vào các hộ dân. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang ảnh 4 Nhiều cống thoát nước không được che chắn, chưa thi công, gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Huỳnh Hải (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) có diện tích đất ở là 587m2, dự án đã thu hồi 157m2 đất phía trước nhà để làm đường, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thi công đường. Ông Hải nói: “Nhà thì không sửa được vì quy hoạch mà cũng chưa được đền bù, còn đường cũng dở dang, nhà đầu tư chưa làm, khổ nỗi khi mưa xuống là nước vô nhà, nên kiến nghị nhà đầu tư nhanh chóng làm đường để mùa mưa đến không bị ngập”.

Theo ông Hải, do việc chậm thi công đã khiến cho tình hình an ninh khu vực không đảm bảo. Các hộ dân thường xuyên bị mất đồ, chó và cây kiểng bị trộm, người dân không ngủ được vì lo lắng bất an.

Tương tự, khu vực phía trước nhà bà Đoàn Thị Lẹ cũng có những vũng nước lớn, ra vào nhà rất khó khăn. Bà Lẹ nói: “Nhà ở cấp bốn nhưng không thể sửa chữa, bếp đã hư hỏng, tường nứt nẻ cũng không thể gia cố”.

Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang ảnh 5 Nhà xuống cấp, hư hỏng nhưng không thể sửa chữa do nằm quy hoạch. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh, cho biết, dự án khu đô thị An Phú Sinh được đầu tư trên địa bàn cũng khá lâu và đến hiện tại vẫn còn một số diện tích nhà đầu tư không bồi thường được. Ông nói: “Nhà đầu tư có đề xuất đề nghị chính quyền địa phương, thành phố cho điều chỉnh quy hoạch. Phần nào nhà đầu tư bồi thường được thì tiếp tục thực hiện dự án, còn phần nào không bồi thường được thì đề nghị điều chỉnh, trả lại cho dân để dân tự chỉnh trang đô thị”.

Quảng Ngãi: Dân chịu khổ hàng chục năm vì dự án dở dang ảnh 6 Khu đô thị An Phú Sinh, TP Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sau khi xem xét kiến nghị nhà đầu tư, UBND phường Nghĩa Chánh đã thống nhất và kiến nghị thành phố, kiến nghị nhà đầu tư, sau khi điều chỉnh quy hoạch thì nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện các tuyến đường còn dang dở, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường xung quanh để tạo cảnh quan đô thị. Qua đó, người dân có quyền sử dụng đất để sửa chữa nhà cửa, xây dựng mới, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường theo nguyện vọng người dân.

Tin cùng chuyên mục