Quảng Trị: Sẽ di dời đàn voọc thường xuyên xuống đường tấn công người

Theo thống kê, đã có 18 người bị đàn voọc tấn công (trong đó có các em học sinh, phụ nữ mang thai), khiến người dân hoang mang, lo lắng mỗi khi đi qua đoạn đường này.

Cá thể voọc Hà Tĩnh thường xuyên xuất hiện ở những cây ven đường tấn công người và phương tiện qua lại
Cá thể voọc Hà Tĩnh thường xuyên xuất hiện ở những cây ven đường tấn công người và phương tiện qua lại

Ngày 7-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, sở đã đề nghị UBND tỉnh này chấp thuận cho UBND huyện Hướng Hóa thực hiện phương án bắt giữ, di dời đàn voọc gáy trắng (hay voọc Hà Tĩnh, tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) tấn công người dân trong thời gian qua.

Theo đó, dự kiến sẽ có 12 người tham gia việc bắt giữ, di dời đàn voọc với kinh phí thực hiện hơn 118 triệu đồng.

Từ ngày 26-6-2020 đến nay, trên địa bàn thôn Cha Lỳ và Sê Pu (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện 3 cá thể voọc gáy trắng, nặng từ 4-10kg, mỗi khi nghe tiếng động cơ của phương tiện qua lại trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua địa bàn xã Hướng Lập, đàn voọc thường bị kích động, đuổi theo tấn công, cắn người đi qua lại.

Mặc dù cơ quan chức năng đã dựng hàng rào lưới để ngăn voọc xuống đường, đồng thời cử lực lượng canh gác, xua đuổi nhưng không hiệu quả.

Theo thống kê, đã có 18 người bị đàn voọc tấn công (trong đó có các em học sinh, phụ nữ mang thai), khiến người dân hoang mang, lo lắng mỗi khi đi qua đoạn đường này.

Để tìm giải pháp xử lý đàn voọc, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã tham vấn chuyên gia của tổ chức Tam Hầu – Bảo tồn động vật hoang dã (TMWC), Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FPV) lên phương án bắt giữ và di dời đàn voọc.

Hai phương án đưa ra là gây mê voọc bằng súng phi tiêu từ xa và bẫy nhử mồi. Sau khi bắt được sẽ đưa đàn voọc đến khu vực gần thôn Trăng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) để giám sát. Đây là khu vực rừng tự nhiên rộng hơn 500ha, nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Cá thể voọc Hà Tĩnh hay còn gọi voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Tin cùng chuyên mục