Theo thống kê, cả nước hiện có trên 6 triệu người khuyết tật (NKT) và khoảng ½ số NKT đang trong độ tuổi lao động. Bên cạnh một số ít doanh nghiệp tạo việc làm cho NKT, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với lực lượng lao động này, quên đi trách nhiệm xã hội đã được pháp luật quy định.
Đem lại niềm tin
Đến xưởng lắp ráp loa, amply của anh Trần Văn Hùng (Củ Chi, TPHCM) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi toàn bộ công nhân trực tiếp lắp ráp tại đây đều là NKT. 30 công nhân đang miệt mài với những công đoạn lắp ráp sản phẩm ngay trên xe lăn.
Anh Triệu Kim Sơn, làm việc tại xưởng lắp ráp loa, cho biết: “Lúc đầu, nghe nói đến việc đi làm kiếm tiền cũng ngán. Bởi tôi đi học nghề điện tử là do sở thích và chỉ học cho biết chứ không nghĩ là học để đi làm vì bản thân luôn mặc cảm. Nhưng khi học xong, được anh Hùng đến tận trường động viên, chia sẻ nên tôi đã tự tin đi làm”.
Hiện nay anh Sơn đã có vợ và 1 con nên được anh Hùng bố trí làm công việc bảo hành máy tại cửa hàng gần nhà. “Nếu như trước đây phải dựa vào gia đình là chính thì nay với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, tôi không chỉ nuôi được con mà còn mua thêm chiếc xe máy mới gần 30 triệu đồng” – anh Sơn phấn khởi khoe. Tại Công ty TNHH Liên Phát, Công ty TNHH Đại Việt cũng đang sử dụng một số lượng lớn lao động là NKT. Công việc của họ chủ yếu làm tại các khâu độc lập nhẹ nhàng như cắt chỉ thừa, kiểm tra, đóng gói. Tại đây, NKT còn có chỗ ở riêng, thuận tiện cho việc sinh hoạt.
Ông Mã Hoàng Lê, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ, đào tạo và giải quyết việc làm cho người tàn tật, nhìn nhận, gần đây doanh nghiệp tuyển dụng NKT đã không còn cách nhìn và tuyển dụng theo kiểu “làm từ thiện” mà họ tính đến hiệu quả là chính. Có doanh nghiệp còn lắp đặt lan can có tay vịn cho NKT và xây nhà vệ sinh, nhà lưu trú riêng “NKT có những khiếm khuyết về hình thể, nhưng bù lại họ rất siêng năng, thậm chí rất có tài. Nếu mình biết gần gũi, chia sẻ để tạo động lực, niềm tin cho họ thì người có lợi đầu tiên là doanh nghiệp. Tôi nhận NKT vào làm việc và muốn đào tạo họ thành một lao động có tay nghề thực thụ để tạo ra những sản phẩm tốt. Với mức lương từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, vừa giúp họ trang trải cuộc sống vừa giúp họ tự tin, quên đi mặc cảm của chính mình” – anh Trần Văn Hùng, chủ doanh nghiệp Hùng Loa bộc bạch.
Nhiều doanh nghiệp thờ ơ với NKT
Bên cạnh một số ít các doanh nghiệp tạo điều kiện cho NKT làm việc với mức thu nhập ổn định, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp này cho rằng, việc nhận NKT vào làm việc là gánh nặng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nhiều doanh nghiệp không muốn nhận NKT vào làm việc là do Luật Lao động quy định, NKT chỉ làm việc 7 giờ/ngày. Khi tuyển dụng NKT vào làm việc, doanh nghiệp phải xây dựng đường đi cho xe lăn, phòng vệ sinh dành riêng cho NKT nên không ít DN ngại khó.
Chị Nguyễn Thị Dung bị khuyết tật 2 chân học xong lớp trung cấp kế toán nhưng khi mang hồ sơ đến nhiều doanh nghiệp xin việc làm vẫn nhận được cái lắc đầu dù họ đang tuyển người. Không riêng chị Dung mà nhiều NKT đã bị doanh nghiệp từ chối không nhận với lý do khiếm khuyết về hình thể. Mặc cảm, tự ti nên chị Dung chấp nhận phụ giúp gia đình người quen bán cửa hàng tạp hóa với mức lương 1 triệu đồng/tháng.
Pháp luật quy định, doanh nghiệp phải nhận 2%-3% lao động là NKT. Nếu chưa hoặc không nhận đủ tỷ lệ này, hàng tháng phải nộp vào Quỹ Việc làm cho NKT một số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước với số người tàn tật mà doanh nghiệp chưa tuyển dụng đủ... Nếu thực hiện đúng quy định, với hàng triệu doanh nghiệp trên cả nước, con số lao động khuyết tật được tạo việc làm là rất đáng kể. Hoặc vì đặc thù doanh nghiệp không nhận NKT làm việc, khoản tiền đóng góp theo quy định thu về cho quỹ số tiền không nhỏ. Thế nhưng, ngược lại với những quy định chặt chẽ trên, chưa có chế tài nào cho việc xử lý doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định.
Mặt khác, nếu như các quy định trước đây chỉ nói về trách nhiệm doanh nghiệp, trong Luật NKT (sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2011) cũng đề cập quyền lợi của doanh nghiệp. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT sẽ được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là NKT… Hy vọng khi có cả trách nhiệm và quyền lợi, doanh nghiệp sẽ chung tay tạo việc làm cho NKT.
Hồ Thu