* Đề nghị chọn ngày 9-11 là Ngày Pháp luật
(SGGPO).- Phiên họp sáng nay, 2-11, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về bốn dự án luật: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giáo dục đại học; Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo hiểm tiền gửi. Cuối phiên họp, Quốc hội nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật gồm 5 chương, 41 điều, quy định về nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, cơ quan tổ chức có trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật, đối tượng được phổ biến, giáo dục và các điều kiện đảm bảo cho công tác này.
Dự thảo Luật quy định cụ thể những nội dung cần phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các hình thức được áp dụng nhiều trong thực tiễn và đã được kiểm nghiệm là có hiệu quả, trong đó có họp báo, thông cáo báo chí…
Đáng lưu ý, theo dự thảo, ngày 9-11 hàng năm được đề nghị lấy làm Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.
Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã đọc tờ trình Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương và 47 điều, bao gồm các quy định chung tại Chương I; Chương II các quy định về quyền, trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương III quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi; Chương IV quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương V quy định hoạt động thông tin báo cáo; Chương VI về thanh tra, khiếu nại tố cáo về bảo hiểm tiền gửi; Chương VII quy định điều khoản thi hành.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước cũng như thực tiễn 10 năm thực hiện Pháp luật Bảo hiểm tiền gửi. Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi là Ngân hàng Nhà nước. Chủ thể được bảo hiểm tiền gửi được xác định là cá nhân.
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi đã nhận được sự tán thành của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra nhận định: “Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin. Mặt khác, tiền gửi của các tổ chức mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Vì vậy, việc quy định bảo hiểm cho tiền gửi của tổ chức là không phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Còn việc chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng VNĐ, không bảo hiểm tiền gửi cho ngoại tệ và kim loại quý khác là thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam. Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Về phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi, dự thảo Luật trao thẩm quyền quy định về phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm cho Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và trao quyền xác định, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh yêu cầu quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để tính toán, xác định mức phí bảo hiểm và hạn mức bảo hiểm tiền gửi ngay trong dự thảo Luật.
Quy định cụ thể những đối tượng phải nộp tiền khi sử dụng tài nguyên nước
Một chương mới về điều tra, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được bổ sung vào dự thảo Luật Tài nguyên nước được trình Quốc hội sáng nay. Chương này đưa ra các quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; các biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; các quy định về tiết kiệm nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Dự thảo luật cũng quy định về nguồn thu - chi ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước. Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật về các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước.
Chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục
Đây là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động giáo dục đại học, cụ thể hóa các quy định còn mang tính khái quát trong Luật Giáo dục về giáo dục đại học. Một nội dung quan trọng trong dự luật là quy định về Hội đồng trường trong các trường đại học công lập và Hội đồng quản trị trong các trường tư thục. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng trường chính là Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng quản trị do đại hội cổ đông của cơ sở đại học tư thục bầu ra.
Bên cạnh đó, dự luật bổ sung quy định về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, bao gồm số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và thiết bị. Các nội dung về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học, đại học quốc gia; về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, về lợi nhuận và phi lợi nhận; về xã hội hóa và công bằng xã hội trong giáo dục đại học… cũng đã được đề cập trong bản dự thảo Luật.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII: 96 dự án chính
Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm có 96 dự án thuộc Chương trình chính thức (trong đó có 90 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh) và 38 dự án thuộc chương trình chuẩn bị. Nguyên tắc để lập dự kiến Chương trình được nêu rõ trong Tờ trình, nhấn mạnh một yêu cầu quan trọng là “chỉ đưa vào Chương trình chính thức các dự án luật, pháp lệnh được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản”. Các dự án luật, pháp lệnh trong chương trình được chia thành 5 lĩnh vực: Tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; dân sự, kinh tế; giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong số các dự án được dự kiến trong Chương trình chính thức thuộc lĩnh vực “Tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị” có Luật (hoặc nghị quyết) sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992; Luật Thủ đô; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ…
Trong lĩnh vực dân sự - kinh tế có các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)…
ANH PHƯƠNG