* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không thể cứu doanh nghiệp tràn lan
* Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Phải có quy hoạch tổng thể của đất nước
Ngày 8-6, Quốc hội đã dành trọn 1 ngày thảo luận về đề án tái cơ cấu kinh tế. Đa phần các đại biểu tán thành quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, bản đề án còn nhiều vấn đề chung chung, cần được định lượng cụ thể, cần chỉ rõ những giải pháp đột phá, tránh việc lặp lại đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Con người là yếu tố quyết định
Đồng tình với việc phải tái cơ cấu nhưng theo nhiều đại biểu (ĐB), đề án tái cơ cấu mà Chính phủ trình ra còn quá chung chung. “Đề án chưa xác định nhu cầu và nhân lực, không tính toán yêu cầu về tài chính để thực hiện tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thì ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội ra sao, đâu là những ngành và những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng cao, đâu là những công trình tiêu biểu xứng tầm với đất nước chúng ta là nước công nghiệp vào năm 2020”, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) phát biểu.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), đề án tái cơ cấu cần làm rõ các nội dung trong đề án, trong đó, cần xác định việc tái phân bổ nguồn lực xã hội vào khu vực tốt nhất với chi phí tối ưu nhất. Chẳng hạn, nguồn lực quốc gia phân bổ như thế nào. Cái gì Nhà nước làm, cái gì huy động nguồn lực từ xã hội, vai trò của doanh nghiệp nhà nước ra sao để từ đó tối ưu hóa được tổng lực nguồn lực từ xã hội... Bên cạnh đó, cần làm rõ kinh phí trong quá trình tái cơ cấu ngân sách phải bỏ ra bao nhiêu, cái giá phải trả của quá trình này ra sao?
|
Theo ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), đề án cần đánh giá toàn diện những yếu kém của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập. Ngoài ra, phải xác định rõ những lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm được ưu tiên đột phá; kiên quyết nói không với các dự án gây ô nhiễm môi trường. ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) và một số ĐB khác cho rằng, không nên chỉ coi trọng tâm là tái cơ cấu 3 trọng tâm hệ thống ngân hàng, đầu tư công và DNNN mà nên chia thành tái cơ cấu ngắn hạn và trung dài hạn, trong đó tái cơ cấu ngắn hạn bao gồm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổ chức thương mại, DNNN (đối với các tập đoàn, DNNN phải tiến hành tổng kết trước khi tái cơ cấu vì hiện nay vẫn chỉ là quá trình thí điểm). Tái cơ cấu trung - dài hạn phải hướng đến tái cơ cấu vùng miền, ngành (nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, kinh tế biển).
ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, phải bổ sung giải pháp về phòng chống tham nhũng, vì các giải pháp khác nếu có hay đến mấy mà không phòng chống tham nhũng cũng không thể thành công, giống như một ngôi nhà tuy bề ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong mục ruỗng, chỉ cần xô nhẹ là đổ. Chung quan điểm, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói tái cơ cấu nền kinh tế có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ba yếu tố là con người, cơ chế và lòng tin. Trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất quyết định sự thành công của mọi vấn đề; có cơ chế tốt sẽ thu hút sự quan tâm của mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển kinh tế, xã hội và lòng tin là rất quan trọng. Muốn có được lòng tin, cần phải công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; phải có cán bộ gương mẫu, có phẩm chất đạo đức công vụ...
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng cho rằng, phải kiên quyết đổi mới tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, không để lợi ích nhóm chi phối. Bởi lẽ đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cản trở trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Nông nghiệp cần có vị trí xứng đáng
Không hài lòng về việc đề án chỉ tập trung nội dung tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, DNNN mà “quên” lĩnh vực rất quan trọng là nông nghiệp, kinh tế biển, rất nhiều ĐB cho rằng cần có sự đầu tư tương xứng cho khu vực nông thôn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nhận xét: “Dường như chúng ta đang quá băn khoăn về mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà thiếu quan tâm đến phát triển nông, lâm, ngư nghiệp”. ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng cần đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào vị trí trung tâm. Theo ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), thành tựu nông nghiệp hiện nay chưa tương xứng với lợi thế khi sức cạnh tranh thấp, đời sống người dân khu vực nông thôn bấp bênh.
ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) hiến kế, cần lựa chọn đúng điểm đột phá, như phát triển kinh tế biển, du lịch. Bởi Việt Nam là quốc gia có lợi thế và đang có đóng góp lớn. Để làm được điều này, cần khẩn trương rà soát các khu kinh tế ven biển, phát triển dịch vụ, đóng tàu. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cũng đồng tình cần quan tâm đến kinh tế biển. Tái cơ cấu nông nghiệp phải chú trọng thành lập các đội tàu đánh bắt xa bờ ngang tầm khu vực, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng chúng ta chưa đặt đúng vấn đề về kinh tế biển. “Trong khi hàng triệu ngư dân vất vả bám biển thì Nhà nước bị đổ xuống sông, xuống biển bao nhiêu tiền của vì Vinashin, Vinalines. Tôi đề nghị phải đầu tư hệ thống đánh bắt hiện đại cho bà con ngư dân để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Vì còn quá nhiều vấn đề chưa rõ nên ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) và nhiều ĐB đồng tình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề án tái cơ cấu kinh tế chưa thể thông qua và thành nghị quyết ở kỳ họp này, mà phải tiếp tục tham gia lấy ý kiến bổ sung ở nhiều phía, nhiều lĩnh vực để hoàn tất và xây dựng một đề án có chất lượng và khả thi. Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, Quốc hội sẽ không ban hành nghị quyết về đề án mà chỉ có nội dung kết luận về đề án, giao Chính phủ thực hiện và hàng năm báo cáo Quốc hội.
| |
Phan Thảo – Ngọc Quang
>> Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không thể cứu doanh nghiệp tràn lan
>> Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Phải có quy hoạch tổng thể của đất nước
>> Tái cơ cấu nền kinh tế - quan trọng nhất là yếu tố con người