Quốc hội thông qua Luật Viện kiểm sát và tòa án

Chiều nay, 24-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (KSND) sửa đổi và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi.

(SGGPO). - Chiều nay, 24-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (KSND) sửa đổi và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi.

Không quy định Viện KSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự

Về thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố, luật quy định Viện KSND bắt đầu thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”. Luật cũng quy định, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. 

Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện KSND, luật quy định do ý kiến của các ĐBQH còn khác nhau, UBTV Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Kết quả có 197 phiếu tán thành việc quy định Viện KSND có quyền khởi tố vụ án dân sự; có 154 phiếu không tán thành.

Do ý kiến ĐBQH còn rất khác nhau, số phiếu tán thành nhận được không đạt quá bán so với tổng số ĐBQH, để bảo đảm thận trọng, UBTV đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ và đề nghị Quốc hội không quy định Viện KSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự.

Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi nêu rõ, từ ngày 1-2-2015 đến ngày Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi có hiệu lực, Viện trưởng Viện KSND tối cao có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm hoạt động của Viện KSND các cấp theo quy định của Luật này. Kiểm sát viên Viện KSND tối cao hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm theo quy định. Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định của Luật này. Việc xem xét, bổ nhiệm lại các Kiểm sát viên này phải thực hiện xong trước ngày 30-9 -2015.

Tòa  án có quyền trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức TAND sửa đổi. Theo đó, về vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp, luật bổ sung quy định: khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình thu thập, bổ sung chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Nghị quyết về thi hành luật tổ chức TAND sửa đổi nêu rõ, kể từ ngày 1-2-2015 đến ngày Luật tổ chức TAND (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của TAND các cấp theo quy định của Luật tổ chức TAND (sửa đổi).  Thẩm phán TAND tối cao hết nhiệm kỳ kể từ ngày 1-1-2014 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 1-6-2015.  Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp hết nhiệm kỳ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm theo quy định của Luật tổ chức TAND sửa đổi trước ngày 30 -9-2015…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục