Quy định chặt chẽ là tiền đề cho việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW (ngày 1-11-2011) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm.

Đây được xem là căn cứ, cơ sở quan trọng để kiểm tra, giám sát, xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên; đồng thời tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Cụ thể, rõ ràng để nhân dân dễ giám sát

Phóng viên: Theo ông, vì sao ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm ở thời điểm này?

PGS-TS NGUYỄN MINH TUẤN: Lý do thứ nhất là về thời gian. Qua 10 năm thực hiện, Quy định 47 đã đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện cho thời kỳ mới. Thứ hai, trong 10 năm qua đã có nhiều văn bản, quy định mới được ban hành. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với đó Văn kiện Đại hội XII và gần đây nhất là Kết luận số 14 (ngày 22-9-2021) của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thông qua những quy định mới đó, vấn đề đặt ra là cần phải bổ sung những điều đảng viên không được làm mà Quy định 47 trước đây chưa đề cập chi tiết, đầy đủ. Thứ ba là một số điều trong Quy định 47 chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ cần phải thay đổi, tuy không nhiều nhưng vẫn có; hoặc diễn đạt chưa tường minh. Đó là những lý do chính để Ban Chấp hành Trung ương quyết định tiến hành sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy định 37 cho phù hợp với tình hình mới. 

Đâu là những điểm mới nổi bật nhất của Quy định 37, thưa ông?

Có 2 điểm mới rất đáng lưu ý. Thứ nhất, điều 3 nêu rõ đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vấn đề phản bác chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là đỉnh cao của biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó chính là sự suy thoái cần phải xử lý. Là đảng viên phải thừa nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, thậm chí phải đấu tranh bảo vệ nó; khi phản bác điều đó thì không xứng đáng là đảng viên, phải bị xử lý.

Điểm mới thứ 2 là điều 13. Chúng ta có rất nhiều quy định, như quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhưng lại không nói sâu về can thiệp vào cơ quan pháp luật. Đảng viên là cán bộ có chức, có quyền rất dễ can thiệp vào các cơ quan tư pháp trong các hoạt động kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giải quyết khiếu nại tố cáo, thậm chí là xét đặc xá. Đây cũng là một dạng chạy tội, chạy án. Can thiệp như thế trước hết là cho người thân, thứ hai là lợi dụng chức quyền của Đảng để can thiệp nhằm lấy tiền hối lộ. Lần này quy định rất cụ thể, để cho người dân giám sát, đảng viên kiểm soát lẫn nhau, chi bộ phê bình. Đó là cái mới, điểm nhấn của Quy định 37. 

Đạo đức là gốc

Vì sao điều 18 quy định rõ đảng viên không được “thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”?

Trong quá trình xây dựng Đảng, Đảng ta thường hay nhắc đến ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhưng tình trạng suy thoái về đạo đức xảy ra không nhỏ, dẫn đến nguy cơ của đảng cầm quyền nên chúng ta đã phải tách ra mặt xây dựng Đảng thứ tư là “đạo đức” tại Đại hội XII. Đạo đức là vấn đề hết sức quan trọng đối với đảng viên hiện nay. Đảng viên trước hết phải có đạo đức. Cán bộ vừa phải có tài và đức nhưng đức vẫn là gốc. Cho nên, đảng viên phải nêu gương, trong đó có vấn đề không được vô cảm với những hành vi sai trái trong xã hội. Vô cảm ở đây là liên quan đến đạo đức, thái độ ứng xử trong mối quan hệ với nhân dân.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong Quy định 37, điều 11 nêu rõ không được lợi dụng vấn đề này để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là sự bổ sung rất kịp thời Kết luận số 14 của Bộ Chính trị. Thực chất mà nói, trước đây chúng ta nói là “phải xé rào”; quy định chưa cho phép thì sợ liên lụy nên phải làm trộm, xé rào. Bây giờ công khai mà làm, có cơ quan lãnh đạo, có người trình bày đề án, có khuôn khổ pháp lý nhất định, thậm chí khi thí điểm cần đến quy định để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Như thế để phát huy được tiềm lực, sức sáng tạo trong cán bộ. Đây cũng là kênh đánh giá cán bộ về năng lực, tư duy, tầm nhìn, trình độ, nhiệt huyết, xả thân cho công việc vì lợi ích chung, đem lại lợi ích cho nhân dân, đất nước.

Nhưng đồng thời quá trình đấy chúng ta rào trước, ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện lợi dụng. Cho nên đảng viên không được lợi dụng chủ trương đó. Bây giờ rất phấn khởi, có người cho đó là cởi trói nhưng nếu không có cái “phanh hãm”, không có cơ chế kiểm soát rất dễ có người đi quá xa hoặc lợi dụng cái đó nhằm phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Khi nói đến Kết luận 14, Trung ương sẽ phải có nhiều quy định hướng dẫn thực hiện. Theo đó, cơ quan cấp có thẩm quyền vẫn phải điều hành chứ không phải phó mặc cho cán bộ làm; không phải căn cứ để bao che cho vụ lợi, tiêu cực bắt đầu từ câu chuyện “năng động”, “sáng tạo”...  Nhiều cái vận dụng, lợi dụng đem lại lợi ích đôi khi rất lớn. Cho nên đưa vào điều cấm là để mọi người biết trước không phải có cơ chế đó rồi ai muốn làm gì cũng được!

Phải trung thực trong các mối quan hệ

Tại điều 9 của Quy định 37 nêu rõ, đảng viên không được “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Đây cũng là quy định phòng ngừa từ sớm, từ xa. Xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới có tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài, sau này sống ở nước ngoài. Cấm ở đây là cấm chuyển trái phép, cấm ở dạng hành vi tham nhũng mà có được tài sản; sau đó chuyển tài sản ra nước ngoài để khi “hạ cánh an toàn” hưởng thụ.

Cho nên ngay từ bây giờ cấm trước, khi mọi người có nhu cầu chính đáng thì báo cáo với tổ chức, theo quy định pháp luật thực hiện; còn nếu làm chui, làm sai luật pháp thì sẽ phải bị xử lý. Đảng viên phải trung thực với Đảng trong mọi mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài. Kể cả trước đây đã có quy định về chuyển tiền cho người nước ngoài nhưng giờ quy định rõ hơn là không được nhập quốc tịch, chuyển tiền và tài sản, mở tài khoản đối với cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Đó là điều hoàn toàn hợp lý, cũng là hình thức cảnh báo từ sớm, từ xa.

Theo ông, điều gì cần đặc biệt quan tâm đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay?

Một điều chúng ta luôn nói đến trong các giải pháp đột phá về công tác xây dựng Đảng là nội dung hoàn thiện thể chế. Quy định 37 chính là một việc như vậy, để hoàn thiện thể chế của Đảng. Không chỉ văn bản này mà sẽ còn nhiều văn bản khác. Chúng ta chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng trong Đảng bắt đầu từ việc thiết lập các cơ chế chính sách chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, công khai để tất cả cùng biết. Công cụ lãnh đạo, chỉ đạo, cầm quyền của Đảng là bằng chủ trương; phương thức lãnh đạo cũng bằng chủ trương.

Từ chủ trương biến thành hành động, việc làm cụ thể, không thể chung chung được. Những quy định cụ thể như Quy định 37 được ban hành chặt chẽ là tiền đề cho việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Các bước tiếp theo quan trọng hơn rất nhiều. Đó là tổ chức thực hiện. Phải biến thành nhận thức của cán bộ, đảng viên; biến thành niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân về thực hiện quy định này. Việc ban hành các quy định mới chỉ là bước đầu. Quán triệt, nhận thức đúng vấn đề và thực hiện tốt quy định đó trong thực tế sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng vị thế cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục