Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực đã hơn 8 tháng, nhưng các vi phạm như bán hàng không đúng chất lượng, bảo hành không đổi hàng sử dụng tạm, sản phẩm đã bảo hành 3 lần nhưng không được đổi hàng mới, những hợp đồng mua bán căn hộ ép khách hàng… vẫn diễn ra thường xuyên. Những vi phạm này gây nhiều bức xúc, nhưng nhiều khách hàng ngại kiện tụng vì nghĩ rằng thủ tục tố tụng quá nhiêu khê, phức tạp, trong khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định thủ tục tố tụng đơn giản và tạo thuận tiện khách hàng…
- Trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về doanh nghiệp
Chị Nguyễn Minh Ngọc (Tân Phú) cầm chiếc máy nấu sữa đậu nành mới mua được 2 tuần đã hư, bức xúc nói: Lúc mua hàng cửa hàng chỉ đưa phiếu tạm tính tiền nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Thậm chí, nhân viên nói bảo hành 6 tháng, nhưng khi hỏi phiếu bảo hành, nhân viên nói: “Không cần phiếu bảo hành, hư cứ mang đến đây, chỉ cần nhìn là biết của cửa hàng, cửa hàng sẽ sửa cho”. Bây giờ hàng hư, tôi chỉ còn biết mang đến cửa hàng chứ làm gì có bằng chứng kiện tụng!
Kiểu mua bán “tiền trao cháo múc” diễn ra thường xuyên trên thị trường, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ. Vì vậy, khi hàng gặp sự cố người dân chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ đâu biết rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã có những quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 20 Luật BVQLNTD nêu rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu. Và khi khởi kiện, người tiêu dùng chỉ cung cấp chứng cứ, chứ không có trách nhiệm chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.
Đối với những trường hợp sản xuất hàng hóa kém chất lượng gây thiệt hại đến nhiều người tiêu dùng thì mỗi khách hàng không cần phải tự mình làm đơn mà có thể yêu cầu các tổ chức xã hội tham gia khởi kiện vụ án BVQL NTD vì lợi ích công cộng. Và đương nhiên, tổ chức khởi kiện không phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm chứng minh mình không có lỗi.
- Không phải nộp tạm ứng án phí, được xử theo thủ tục rút gọn
Vấn đề người dân ngán ngại khởi kiện vì thủ tục tố tụng quá nhiêu khê, kéo dài 5 - 6 tháng, nếu trị giá tài sản thấp thì không có công sức đâu theo đuổi vụ kiện. Nhưng nay, Luật BVQLNTD quy định nếu người tiêu dùng trực tiếp khởi kiện người cung cấp hàng hóa, dịch vụ, vụ án đơn giản, có chứng cứ rõ ràng và giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì sẽ được tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục đơn giản (thời gian xử nhanh hơn). Ngoài ra, để xử lý khiếu kiện, người tiêu dùng có thể chọn 1 trong 4 hình thức hòa giải, thương lượng, trọng tài hoặc tòa án.
Điểm thường người dân lo ngại là tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, Điều 43 Luật BVQLNTD quy định người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án. Sau khi có kết quả giải quyết vụ án, bên thua sẽ nộp án phí theo quy định của tòa án. Như vậy, khách hàng có thể yên tâm khi nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
HÀN NI
| |