Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất luôn là vấn đề được quan tâm và thường gây ra nhiều khiếu nại, tranh chấp về đất đai. Pháp luật đã có những quy định liên quan đến vấn đề này để hạn chế những tác động tiêu cực từ việc thu hồi đất.
Thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất, hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai (Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013). Theo đó, thu hồi đất là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quyền sử dụng đất của người có diện tích đất bị thu hồi và kéo theo việc nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể sử dụng đất. Chính vì thế, để giảm bớt tác động tiêu cực đến người có quyền sử dụng đất bị thu hồi, pháp luật quy định những trường hợp khi thu hồi đất, người sử dụng đất sẽ được xem xét bồi thường.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước chỉ được thu hồi đất trong các trường hợp vì mục đích quốc phòng - an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 61, 62, 64, 65 Luật Đất đai 2013). Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp thu hồi đất đều sẽ được Nhà nước bồi thường. Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, người có diện tích đất bị thu hồi chỉ được bồi thường khi đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 như sau: Diện tích đất bị thu hồi phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở..., hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp, trừ trường hợp đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1-7-2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có hoặc không đủ điều kiện để được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Diện tích đất bị thu hồi phải là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc đất thuê trả tiền thuê một lần.
Các giá trị, tài sản có trên đất của người sử dụng đất sẽ được Nhà nước xem xét bồi thường khi thu hồi đất, bao gồm: giá trị quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư vào đất, tài sản trên đất, chi phí di chuyển, thiệt hại phát sinh và những tài sản, chi phí khác theo quy định của pháp luật. Riêng đối với giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tiền bồi thường sẽ được tính dựa trên giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh ban hành, bảo đảm giá đất bồi thường tương xứng với giá trị thị trường của quyền sử dụng đất bị thu hồi. Các giá trị, tài sản có trên đất khác sẽ được tính giá trị bồi thường dựa trên chi phí đầu tư, giá trị thực tế của tài sản.
Trên thực tế, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vẫn được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, vì thường phát sinh mâu thuẫn, không thống nhất trong việc xác định điều kiện được bồi thường, giá trị tài sản có trên đất cũng như giá đất bồi thường giữa Nhà nước và người sử dụng đất, mà có nhiều khiếu nại, tranh chấp phát sinh về bồi thường khi thu hồi đất. Do vậy, trên hết người sử dụng đất và cơ quan tiến hành thu hồi đất cần tuân thủ, áp dụng thống nhất các quy định về bồi thường khi thu hồi đất để đảm bảo việc thu hồi đất không gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc cho người dân.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
| |
Các tin, bài viết khác
- Ngăn thói hành xử bạo lực
- Quốc hội đang bàn đúng nỗi lo của người dân
- Chủ động ngăn ngừa bạo lực học đường
- Không an tâm với xe đưa rước học sinh
- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nạn heo bơm nước
- Mở đường, xây cầu vẫn chưa thể hết kẹt xe
- Cản trở giao thông để khiếu nại là phạm pháp
- Chú trọng công tác tiếp công dân
- Bưng bít thông tin dự án nhà ở
- Cam go dẹp bến cóc, xe dù