Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) cùng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức hội thảo “Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020”. Hơn 30 đơn vị đã tham dự, trình bày 7 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp, nhưng chủ yếu xoay quanh việc quy hoạch truyền hình trả tiền trong thời gian tới.
Quá nhiều
Hiện nay, chúng ta có 67 đài phát thanh, truyền hình (PT-TH) trên cả nước, trong đó có 63 đài địa phương, 4 đài toàn quốc; gần 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, còn lại là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất, vệ tinh (DTH), IPTV, Mobil TV…
Mở đầu ý kiến đóng góp, ông Phạm Khắc Lãm - nguyên Tổng giám đốc VTV - thẳng thắn: “Tôi thấy không ở đâu nhiều đài truyền hình như ở Việt Nam. Tôi đã từng phản đối việc mỗi tỉnh có một đài truyền hình. Theo tôi, sắp xếp quy hoạch lại truyền hình nên theo khuynh hướng giảm bớt, chứ không tăng”.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cũng nhìn nhận: “Truyền hình trả tiền đang phát triển rất lộn xộn, có địa bàn có đến 2 hoặc 3 nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, còn nhiều hồ sơ đề nghị cho phép phát triển truyền hình cáp, nhưng chúng tôi đang cân nhắc”. Việc phát triển ồ ạt mạng truyền hình cáp trong thời gian qua ngoài việc tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, còn gây nhiễu do không đảm bảo về bức xạ EMC.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó trưởng phòng Chính sách và quy hoạch Cục tần số và Vô tuyến điện, Bộ TT-TT cho biết: “Gây nhiễu hệ thống thông tin di động CDMA 450 (11 vụ); gây nhiễu hệ thống thông tin vô tuyến điều hành taxi (2 vụ); gây nhiễu hệ thống thông tin điều hành bay của hàng không (1 vụ); gây nhiễu cho hệ thống truyền hình số mặt đất của AVG tại gần 300 điểm trên diện rộng và xử lý rất phức tạp”.
Đại diện SCTV cũng cho rằng: “Hiện tượng đầu tư mạng chồng mạng gây nhiều lãng phí cho xã hội, như: lãng phí điện năng tiêu thụ trên mạng; hiệu suất sử dụng thiết bị thấp; chi phí bảo hành, bảo trì thiết bị mạng lớn; mất mỹ quan đường phố”.
Hãy để thị trường điều tiết
Kiến nghị và giải pháp được nhiều người đề cập trong việc quy hoạch phát triển dịch vụ PT-TH chính là việc nên nghiên cứu quy hoạch nhà khai thác hợp lý, điều tiết số lượng và chất lượng các dịch vụ PT-TH, nghiên cứu để có chính sách phát triển cơ cấu PT-TH hợp lý, tăng cường dùng chung kết cấu hạ tầng.
Đại diện kỹ thuật VTV đồng ý quan điểm, khuyến khích dùng chung cơ sở hạ tầng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia (tần số, sóng). Một số ý kiến cho rằng, quy hoạch truyền hình nên tập trung vào truyền hình quảng bá, còn truyền hình trả tiền thuộc lĩnh vực của doanh nghiệp nên để cho thị trường điều tiết, ai làm tốt, có hiệu quả thì tồn tại, ai yếu kém sẽ tự đào thải; việc ấn định con số cụ thể sẽ là duy ý chí.
Ông Mai Sông Bé - Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai - lo ngại: “Quy hoạch lại dịch vụ truyền hình, các đài địa phương sẽ khó có cơ hội được lên sóng các mạng truyền hình trả tiền lớn”…
Tiếp thu các ý kiến, tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhận xét: “Thông qua hội thảo này, Bộ TT-TT đã có được cái nhìn sâu sát hơn để điều chỉnh kịp thời. Nhà nước đảm bảo các kênh chương trình thời sự chính trị tất yếu của tất cả các đài truyền hình (kể cả truyền hình địa phương), bắt buộc các nhà mạng phải đưa vào mà không được đòi tiền. Dịch vụ truyền hình trả tiền rất rộng, nên phải khoanh vùng, không để phát triển tràn lan. Việc số hóa hoàn toàn vào năm 2020 là cam kết của nước ta với các nước trong khu vực và là xu thế chung của thế giới và chúng ta phải quyết liệt mới theo kịp”.
Truyền hình trả tiền có 3 vấn đề chính: hạ tầng – nội dung – dịch vụ. Thời gian qua, Bộ TT-TT đã xây dựng 3 đề án: Quy hoạch hạ tầng truyền dẫn phát sóng (đã được phê duyệt); Quy hoạch sắp xếp lại hệ thống PT-TH (nằm trong quy hoạch báo chí) và quy hoạch dịch vụ PT-TH. |
NHƯ HOA