Quy hoạch hành lang sông Sài Gòn: Cải thiện môi trường sống, thêm dư địa phát triển

Sông Sài Gòn với khoảng 80km chảy như một dải lụa mềm uốn quanh thành phố. Trong bối cảnh xây dựng và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, các chuyên gia nhìn nhận sông Sài Gòn chính là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình cho thành phố.

Khu dân cư sát bờ sông Sài Gòn khu vực TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu dân cư sát bờ sông Sài Gòn khu vực TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phải chấp nhận “yếu tố lịch sử”

Phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) nằm ven sông Sài Gòn. Khoảng 15 năm về trước, hai bên bờ là không gian xanh, nhà cửa chưa xuất hiện dày đặc. Buổi chiều, người dân có thể ra phía bờ sông dạo mát, câu cá thư giãn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã tạo ra một Thảo Điền hiện đại với những tòa nhà cao tầng, những biệt thự, resort cao cấp. Và, nhiều lối đi ven sông khi ấy giờ nằm gọn trong những bức tường ngăn cách. Bờ sông đã thành của riêng! Ông Nguyễn Tuấn Khôi (65 tuổi, cư dân sinh sống lâu năm tại phường Thảo Điền) cho biết để ngắm được bờ sông nơi mình sống, ông và nhiều người khác phải bỏ tiền để vào các quán cà phê, nhà hàng ven sông.

Năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn. Tuy nhiên, trước đó nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng. Theo Sở QH-KT TPHCM, yếu tố lịch sử đã dẫn đến thực trạng trên. Quá trình đô thị hóa đã hình thành những công trình, nhà ở sát bờ sông Sài Gòn. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, phân tích, Quyết định 150 thời điểm đó do Sở Giao thông công chánh biên soạn, lấy cơ sở hành lang an toàn bờ sông theo mép bờ cao từng khu vực.

Trước đó, việc cấp phép, quy hoạch bờ sông dù cần xét duyệt, căn cứ các quy hoạch nhưng chỉ mang tính cục bộ, không có quy định chung. Việc giải quyết các vấn đề đồng loạt cùng lúc là không thể, nhưng tùy theo ý nghĩa, tầm quan trọng công trình mà thành phố có thể đưa ra giải pháp hợp lý đối với việc cải tạo hiện trạng bờ sông Sài Gòn.

Đồng quan điểm này, KTS Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia công tác quy hoạch nhiều thành phố trên thế giới có điểm tương đồng với TPHCM, nhận xét, khu vực bờ sông Sài Gòn hiện tại chưa xứng tầm với đô thị hơn 10 triệu dân. Đây là điều cấp bách, đã để quá lâu nhưng chưa có chuyển biến. “Không nên lấy lý do bởi các công trình lấn chiếm mà không thực hiện. Những tồn tại của lịch sử không phải chuyện khó giải quyết. Cần bắt tay làm luôn, không nên nói rồi để đó. Bờ sông dứt khoát phải có hạ tầng mới có thể phát triển hướng ra sông, tận dụng tiềm năng của sông nước. Hành lang bảo vệ sông không phải lúc nào cũng cần đúng 50m”, KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý.

b5c-1193.jpg
Khu dân cư Thảo Điền bên bờ sông Sài Gòn, khu vực TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cải tạo sông Seine như thế nào?

Sông Seine (Pháp) có thể xem là một điển hình tham khảo cho TPHCM. Từ thế kỷ 19, sông Seine là hành lang công nghiệp và gây ô nhiễm nặng. Thập niên 1960, cuộc sống người dân Paris hầu như bị tách rời khỏi sông Seine, chất lượng nước giảm mạnh. Văn hóa giàu có một thời tồn tại dọc theo bờ sông cũng bị lu mờ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 2016 khi bờ sông được chính thức quy định là khu vực đi bộ vĩnh viễn.

Tại đây, người ta đã phát triển các quảng trường sông đô thị - là các không gian công cộng rộng lớn, dành một phần hoặc toàn bộ cho người đi bộ với nhiều tiện ích hấp dẫn. Bên cạnh đó, có hơn 20 công viên sông đô thị và các đường đê đi bộ, mang lại nhiều giá trị cho bờ sông và kích thích đầu tư bất động sản xung quanh.

Ngày nay, lưu vực sông Seine vẫn phục vụ một phần đáng kể việc vận chuyển hàng hóa của Pháp nhưng vẫn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm với nhiều loại hình tàu du lịch. Sông Seine ở Paris đứng thứ tư trong danh sách các địa điểm du lịch phổ biến nhất của thành phố, tạo doanh thu đáng kể, khoảng 130 triệu euro vào năm 2018.

Tiềm năng kinh tế lớn

Trong báo cáo Quy hoạch Phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TPHCM định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể, Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) và Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình của TPHCM.

Theo các chuyên gia, hành lang sông Sài Gòn với 5 đặc trưng độc đáo chính là “xương sống” tinh thần và thiên nhiên của TPHCM. Đó là đặc trưng về giá trị lịch sử; bản sắc sông nước vùng Nam Bộ; ranh giới vật lý kết nối các tỉnh lân cận; hệ sinh thái đa dạng; đồng thời cũng là thách thức lũ lụt khiến TPHCM nằm trong số những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với những đặc trưng này, hành lang dọc sông Sài Gòn có tiềm năng trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi của TPHCM, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của TPHCM về kinh tế, chất lượng sống, môi trường, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng và thể chế.

Tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn bao gồm kinh tế dịch vụ địa phương, như du lịch sông nước, văn hóa giải trí, kinh tế đêm, kinh tế dịch vụ dẫn dắt vùng như thương mại, dịch vụ kinh doanh, logistics, kinh tế xanh và kinh tế số, phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế và bất động sản. Dòng sông đóng vai trò tiên quyết trong việc tái tạo các đô thị, mang mạch sống cho hệ sinh thái và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì vậy, đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của thành phố chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển thành phố trong 30 năm tới.

b5b-5102.jpg

PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất thêm, trong các động lực phát triển đột phá của TPHCM sẽ gồm động lực kết nối kinh tế biển. Theo đó, việc kết nối vùng để thiết lập chiến lược hành động đột phá về kinh tế biển, hệ sinh thái cảnh quan và đô thị cộng sinh khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ theo mô hình hợp nhất châu Á như bài học của Hồng Công và Singapore. Sự lớn mạnh của nền kinh tế công nghiệp, cảng, vận tải hàng hóa luôn gắn liền với sự phát triển cả về quy mô và tính chất, chức năng của đô thị. “Hiện tại, các đô thị trên thế giới đều phát triển gắn với phát triển kinh tế - cảng biển”, PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục cho biết.

Nhóm chuyên gia IPR và AVSE Global: Cải thiện chất lượng sống sẽ mang về tỷ USD

Trong tương lai, người dân TPHCM và các tỉnh lân cận có thể tận hưởng không gian ven sông Sài Gòn vào bất kỳ thời điểm nào. Chẳng hạn, sẽ có 300ha tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), 120ha tại Mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) và 35ha ven sông quận 4. Người dân có thể tham gia các hoạt động giải trí như đạp xe, chèo thuyền, tham quan bảo tàng, dự lễ hội âm nhạc, trình diễn thời trang. Khách du lịch nghỉ dưỡng có thể ở lại từ 5-7 ngày để đi du lịch dọc sông.

Các huyện Cần Giờ, Củ Chi đều có nét độc đáo riêng về cảnh quan và hoạt động. Ngoài việc cải thiện chất lượng sống, quy hoạch mới kỳ vọng sẽ đem lại sự tăng trưởng mạnh cho kinh tế dịch vụ với đóng góp của ngành du lịch cho GRDP của thành phố ước tính 18% vào năm 2025 và 24% năm 2030 (tương đương 18,39 tỷ USD và 39,20 tỷ USD).

Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM: Lấy ven sông Sài Gòn làm mặt tiền đô thị

Hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp” hôm nay cũng như các hội nghị vào tháng 11, 12-2023 vừa qua nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các định hướng quy hoạch phát triển sông Sài Gòn và triển khai nhiều nhóm việc sau chuyến công tác của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại Paris tháng 6-2023.

Mục tiêu là lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ. Ngoài việc đóng góp để hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch triển khai, hội thảo cũng là dịp để các đối tác, nhà đầu tư, cơ quan ngoại giao… tìm hiểu, nắm bắt thông tin nghiên cứu, định hướng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn, từ đó tham gia đóng góp, định hướng, chuẩn bị, tham gia những dự án đầu tư trước mắt và dài hạn.

Tin cùng chuyên mục