Quy hoạch phố đi bộ: Góp phần xây dựng đô thị văn minh nhưng cần hài hòa

Cùng với các phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Vĩnh Khánh (quận 4) và sắp tới là phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung (quận 10), Quận ủy, UBND quận 3 cũng vừa đề xuất phố đêm ăn vặt Nguyễn Thượng Hiền. 

Nhìn tổng thể, quy hoạch phố đi bộ nhằm tạo nét riêng, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy hoạch làm sao để phố đi bộ thực sự văn minh, hài hòa với hạ tầng đô thị, giao thông và đậm tính văn hóa địa phương. Sau đây là một số ý kiến mà PV Báo SGGP ghi nhận. 

Quy hoạch phố đi bộ: Góp phần xây dựng đô thị văn minh nhưng cần hài hòa ảnh 1 Sắc màu về đêm tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kiến trúc sư KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM: Tổ chức không gian cho người đi bộ

Trên thế giới, người ta cũng triển khai nhiều phố đi bộ, không gian đi bộ, các hoạt động đó là thường xuyên và có thời gian nhất định trong ngày. “Phố đi bộ” là cách gọi quen thuộc, nhưng trong quy hoạch phát triển TPHCM thì gọi là trung tâm đi bộ. Ví như là khu vực các đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, đường Tôn Đức Thắng, không gian bờ sông Sài Gòn… Ở khu phố đi bộ vai trò người dân tản bộ là trọng tâm, tất cả các phương tiện giao thông khác là phụ. Trước kia, TPHCM có phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều người nói làm phố đi bộ thì tắc đường, giao thông đi lại không được thuận tiện. Sau này tổ chức giao thông ổn định, ở đây không có vấn đề gì mà còn thu hút nhiều khách du lịch. Vì thế, tổ chức không gian đi bộ nhất thiết phải ở nơi có khung cảnh phù hợp, có mảng xanh và nhiều dịch vụ.

Khi làm khu phố đi bộ thì phải xem xét vừa tổ chức không gian cho người đi bộ, xe của người cư trú trong khu vực đó qua lại, rồi là bãi giữ xe... Và khi chúng ta có nhiều khu vực đi bộ như vậy, sẽ thu hút và nâng chất lượng dịch vụ đô thị, đô thị sẽ phát triển tốt hơn, có giá trị hơn. Nhưng chúng ta nhớ rằng, song song với phố đi bộ thì cơ quan chức năng phải tổ chức nhiều dịch vụ quanh phố đi bộ; các công trình kiến trúc cũng tổ chức kèm theo, để phố phường có thêm sức sống. 

Ông NGUYỄN HÒA, quận Bình Thạnh, TPHCM: để phố đi bộ đêm thật sự là sản phẩm du lịch

Cùng với phố đi bộ đêm Bùi Viện (quận 1), Kỳ đài Quang Trung (quận 10), sắp tới quận 3 sẽ mở phố đi bộ đêm Nguyễn Thượng Hiền. Theo xu thế chung, hoạt động xã hội đô thị không chỉ gói gọn vào ban ngày mà kéo dài hoạt động dịch vụ về đêm, vì vậy việc mở thêm phố đêm là nhu cầu cần thiết. Thực tế cho thấy, các phố đi bộ đêm đã phát huy tác dụng, lượng người đến đông dần lên. Phố đêm không chỉ dành cho người dân thành phố vui chơi, mua sắm, ăn uống, giải trí mà là điểm tìm đến của du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến thành phố.      

Để các phố đêm hấp hẫn với người dân, du khách, đòi hỏi chợ đêm không chỉ là nơi mua sắm, ăn uống mà còn là sản phẩm du lịch. Mỗi phố đêm cần được xây dựng mang bản sắc, nét riêng của mình và điều không thể thiếu là nét văn hóa, truyền thống của một đô thị trẻ năng động, mang đặc thù sông nước, khai khẩn. Bởi thực tế hiện nay, các phố đêm đều xây dựng theo một mô hình chung là mua sắm, ăn uống… Với mô hình này, các phố đêm mới phục vụ nhu cầu thiết yếu vui chơi giải trí cho người dân sở tại về đêm chứ chưa tạo ra sản phẩm du lịch đối với du khách.

Chị LÊ THANH HUYỆN, Tổ trưởng tổ 2, KP1, đường Nguyễn Thượng Hiền: Phát triển hài hòa với cuộc sống người dân

Tôi nghĩ việc xây dựng phố đi bộ trên đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền là hợp lý, giúp khu vực này thêm phần sạch sẽ, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, đoạn đường này nổi tiếng với nhiều hàng quán ăn uống, ẩm thực phong phú, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thành khu phố đi bộ. Tuy nhiên, trong các cuộc họp tổ dân phố, nhiều người dân phản ánh tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra, các quán nhậu hoạt động thâu đêm gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do vậy, tôi mong rằng khi xây dựng khu phố đi bộ, chính quyền địa phương nên có biện pháp quản lý, phát triển hài hòa, như thời gian mở và đóng cửa, hạn chế ô tô và phương tiện cá nhân qua lại, cử lực lượng thường xuyên tuần tra khảo sát quanh khu vực này để đảm bảo an ninh trật tự... tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Ông LÊ MINH TUẤN ANH, Chủ tịch UBND phường 4, quận 3: Phố ăn vặt chứ không phải ăn nhậu

Phần đông người dân rất phấn khởi với chủ trương tổ chức phố ăn vặt trên đường Nguyễn Thượng Hiền. Tuy nhiên, làm gì thì làm, chúng tôi cũng phải lấy ý kiến của người dân về sử dụng lòng, lề đường để đảm bảo quyền lợi người dân. Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức việc này. Phố ăn vặt là phố đi bộ, do vậy việc trông giữ xe máy, ô tô ra sao chúng tôi sẽ tổ chức và đang xin chủ trương. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… chúng tôi đang đề xuất tập huấn. Khu phố ăn vặt sẽ hoạt động về đêm trong khung giờ nhất định vào các ngày cuối tuần nhưng không phải phố ăn nhậu, hứa hẹn sẽ văn minh và sôi động.

Tin cùng chuyên mục