Quyền lực mềm

Ngày 13-9, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã kêu gọi các bên ở Afghanistan hòa giải dân tộc, coi đây là “van an toàn” cho sự ổn định của nước này.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani

Lời kêu gọi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Sheikh Mohammed tới thủ đô Kabul để gặp ông Mullah Muhammad Hassan Akhund, Thủ tướng lâm thời nước này. Cho đến nay, ông Sheikh Mohammed được cho là quan chức nước ngoài cấp cao nhất có cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền mới ở Afghanistan. 

Vài năm gần đây, Qatar trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế về tình hình Afghanistan bởi vai trò trung gian tế nhị trong vấn đề Afghanistan, tổ chức các cuộc đàm phán giữa lực lượng Taliban và Mỹ, với kết quả là thỏa thuận Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được ký năm 2020. Bên cạnh đó, quốc gia vùng Vịnh này đã thực hiện vai trò cầu nối đối thoại giữa các nước phương Tây và lực lượng Taliban. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố, cuộc vận chuyển người bằng đường hàng không lớn nhất trong lịch sử sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ sớm từ Qatar - là quốc gia trung chuyển cho hàng ngàn công dân Mỹ, người Afghanistan và công dân các nước khác, được sơ tán trên máy bay vận tải của Mỹ. Qatar hiện là nơi tạm trú của đại sứ quán nhiều nước ở Kabul.

Thứ trưởng Ngoại giao thứ hai của Hàn Quốc là Choi Jong-moon cũng dự kiến gặp các quan chức cấp cao tại Qatar nhằm bày tỏ lòng biết ơn của Seoul đối với sự hợp tác của Doha trong việc giúp sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc khỏi Afghanistan, cũng như thảo luận về hợp tác. 

Qatar hiện gần như là nước duy nhất có thể giao tiếp với chính quyền mới ở Kabul, nhờ vào niềm tin xây dựng được với Taliban trong nhiều năm qua và được Taliban nhìn nhận là “công bằng và trung lập” trong vai trò trung gian. Cho đến lúc này, Qatar rất thận trọng, luôn chú ý nhấn mạnh những tiếp xúc giữa họ với Taliban đều là “do một bên khác yêu cầu” nhằm tránh hình ảnh bị gắn với Taliban. Là một quốc gia giàu có, Qatar có nhiều nguồn lực để thực hiện các tham vọng của mình. Từ ngày 13-9, LHQ đã bắt đầu phân phối viện trợ bằng tiền mặt cho hàng ngàn gia đình nghèo ở Dải Gaza, trong khuôn khổ chương trình do Qatar tài trợ. 

Đối với Chính phủ Qatar, mọi diễn biến đều là cơ hội để củng cố vai trò trung gian chính trị trong vùng, cải thiện vị trí trong khu vực, nhất là với nước láng giềng Saudi Arabia mà Doha vừa mới nối lại bang giao từ tháng 1-2021 sau gần 4 năm bị cô lập.

Tin cùng chuyên mục