Quyền tự do kinh doanh: Cải thiện nhưng chưa thực sự được bảo vệ

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), cho biết, hơn 20 năm qua, quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam đã được thừa nhận, mở rộng và nâng cấp nhưng chưa thực sự được bảo vệ.
Doanh nghiệp ngành điện tử nỗ lực sản xuất sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Doanh nghiệp ngành điện tử nỗ lực sản xuất sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PHÓNG VIÊN: Ngày 10-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó nêu rõ mục tiêu cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh (MTKD), năng lực cạnh tranh (NLCT) đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Kết quả đến nay như thế nào, thưa tiến sĩ?

* TS NGUYỄN MINH THẢO: Qua theo dõi việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP cho thấy, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được vai trò và ý nghĩa của cải cách MTKD, nâng cao NLCT. Nhìn lại các mục tiêu đặt ra cho năm 2022, tôi thấy đã đạt được một số kết quả tích cực, tín nhiệm quốc gia được nâng lên. Tháng 5-2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng bậc xếp hạng của Việt Nam lên BB+ (mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ thấp, chịu tác động lớn từ các sự kiện tiêu cực từ môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính), triển vọng “Ổn định”… Đáng lưu ý là, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn tới có hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, thì Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng bậc tín nhiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo

Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo thúc đẩy quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam, thể hiện rõ trong chuỗi các Nghị quyết 19 ban hành liên tục trong giai đoạn 2014-2018, tiếp nối là chuỗi các Nghị quyết 02 ban hành từ năm 2019 đến nay. Nhưng người dân và doanh nghiệp (DN) cho rằng “vẫn bó, vẫn bí, vẫn nhiều rào cản”.

* Qua hơn 20 năm, từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 đến nay, quyền tự do kinh doanh đã từng bước được thừa nhận và mở rộng. Đáng chú ý là giai đoạn 2014-2019, quyền tự do kinh doanh được củng cố, nâng cấp với nhiều rào cản được tháo gỡ. Tuy nhiên, cho đến nay, quyền tự do kinh doanh ở nước ta vẫn chưa thực sự được bảo vệ. Sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thấy rõ trên nhiều lĩnh vực. Điều này thể hiện trên các phương diện như: rào cản về thủ tục đầu tư kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết triệt để; ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện nhiều và có xu hướng ngày càng mở rộng. Điều kiện kinh doanh (ĐKKD) tuy đã có cải cách tích cực trong giai đoạn 2016-2019, song vẫn còn những điều kiện không cần thiết, không minh bạch, bất hợp lý. Thủ tục về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn rất nặng nề, gây tốn kém thời gian và chi phí. Gánh nặng thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra luôn là nỗi ám ảnh; chi phí không chính thức vẫn phổ biến… Vì thế, mặc dù quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam được nâng cấp hơn so với trước đây, nhưng trên các bảng xếp hạng quốc tế, chỉ số này của nước ta vẫn đứng ở vị trí rất thấp, thậm chí gần cuối bảng.

Các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng DN phản ánh, cho đến nay MTKD vẫn rất bất cập và nhiều hạn chế. Từ góc độ nghiên cứu, tiến sĩ thấy đó là những gì?

* Qua khảo sát thực tế nhiều nơi, chúng tôi thấy một số bất cập về MTKD đáng chú ý. Cạn vốn, khó tiếp cận vốn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với DN. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới hạn mức tín dụng nhưng ở thời điểm này, DN cũng tỏ ra rất thận trọng khi vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao. Mặt khác, DN gặp khó khăn về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là thách thức không chỉ với DN mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, chậm hoàn vốn là bất cập dai dẳng và gây nhiều bức xúc cho DN. Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cũng khiến cho dòng tiền vốn đã khó càng trở nên khó hơn. Ngoài ra, tình trạng thanh tra, kiểm tra có xu hướng mở rộng và với tần suất thường xuyên, liên tục, gây tâm lý nặng nề cho DN.

Tiến sĩ có đề xuất gì để thúc đẩy cải cách, cải thiện MTKD, thúc đẩy tự do kinh doanh?

* Trước hết, Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về cải thiện MTKD, đảm bảo tính an toàn của MTKD, nhất là duy trì sự ổn định của chính sách. Đồng thời phải bám sát các chỉ số quốc tế có uy tín để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải thiện. Chính phủ cũng cần thường xuyên và định kỳ đánh giá lại tình hình thực hiện các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ĐKKD; tích cực bãi bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý, không hiệu lực, không rõ ràng hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hy vọng năm 2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 để thúc đẩy việc thực thi và đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Việc hàng năm Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện MTKD cũng là một nội dung cải cách được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đưa vào trong các kết quả đánh giá, xếp hạng của nước ta.

Năm 2023 nên lựa chọn các trọng tâm cải cách sau: Thứ nhất, tiếp tục cải cách ĐKKD và kiểm tra chuyên ngành. Thứ hai, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, nhất là trong xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật tình hình của người lao động để kịp thời hỗ trợ khi họ gặp rủi ro bởi những biến động về sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, chấn chỉnh tình trạng thanh tra, kiểm tra. Thứ tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN.

Tin cùng chuyên mục