Quyết định 64 của UBND TPHCM: Từng bước nâng tầm văn minh thương mại của thành phố

Ngày 6-8, Báo SGGP đăng bài viết “Quyết định 64 của UBND TPHCM: Hướng đến kinh doanh thực phẩm an toàn”. Sau khi báo đăng, PV Báo SGGP tiếp tục trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng để làm rõ một số vấn đề xung quanh quyết định có hiệu lực từ ngày 10-8.* Phóng viên: Thưa Phó chủ tịch, khi ban hành Quyết định số 64, UBNDTP có dự kiến được những tác động đối với cuộc sống của người dân?
Quyết định 64 của UBND TPHCM: Từng bước nâng tầm văn minh thương mại của thành phố

Ngày 6-8, Báo SGGP đăng bài viết “Quyết định 64 của UBND TPHCM: Hướng đến kinh doanh thực phẩm an toàn”. Sau khi báo đăng, PV Báo SGGP tiếp tục trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng để làm rõ một số vấn đề xung quanh quyết định có hiệu lực từ ngày 10-8.

* Phóng viên: Thưa Phó chủ tịch, khi ban hành Quyết định số 64, UBNDTP có dự kiến được những tác động đối với cuộc sống của người dân?

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

* Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: Là một trung tâm kinh tế của cả nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển, động viên mọi nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững. Nhằm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cách đây 10 năm, lãnh đạo TP đã đề ra chủ trương xây dựng 3 chợ đầu mối ngoại thành là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn để di dời 10 chợ nông sản thực phẩm trong nội thành.

Trong giai đoạn đầu, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng nay có thể khẳng định chủ trương đó là hoàn toàn đúng đắn và thành công. Hoạt động của 3 chợ đã đi vào ổn định và ngày càng phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực trong việc giảm áp lực giao thông vào khu vực nội đô, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), từng bước hình thành nên văn minh thương mại, góp phần làm đẹp hơn hình ảnh của thành phố trong lòng du khách.

Tuy nhiên, gần đây, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, hình thành các chợ tự phát đang có xu hướng tái lập và “nở rộ”, nhất là dọc theo các tuyến đường giao thông nội đô, các tuyến đường mà các thương lái trước đây tập trung mua bán đã thực hiện di dời ra 3 chợ đầu mối. Địa phương và các ngành chức năng có quan tâm, chấn chỉnh, nhưng nhìn chung chưa thật sự tích cực, chưa có giải pháp thỏa đáng và hiệu quả vì thế kết quả cũng không cao.

Quyết định số 64 của UBNDTP ra đời với mong muốn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng VSATTP, trước hết là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, vốn rất dễ bị tác động và ôi thiu, hư hỏng trong môi trường tự nhiên, không được bảo quản theo phương thức phù hợp; từng bước giải quyết và tiến tới dứt điểm các điểm buôn bán lòng lề đường, các chợ tự phát, chợ tạm gây ách tắc giao thông và trật tự mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

* Bà có thể nói rõ hơn các đối tượng bị điều chỉnh bởi quyết định?

* Tôi xin khẳng định, quyết định này sẽ nghiêm cấm việc buôn bán hoặc lập kho chứa trữ hàng ở xung quanh 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tiểu thương đã di dời từ các chợ đầu mối nội thành như cam kết của TP, đồng thời từng bước kiểm soát chất lượng hàng hóa trước khi đưa vào nội thành để tiêu thụ.

Đối với hoạt động bán lẻ hàng nông sản, thực phẩm ở lòng lề đường, chợ tự phát, chợ tạm… tóm lại là các hoạt động mua bán trái phép sẽ từng bước phải dẹp bỏ. Riêng các hộ bán lẻ tại các chợ được thực hiện theo quy hoạch của UBND quận huyện và theo pháp luật Nhà nước, tức có giấy phép kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP sẽ không gặp trở ngại gì khi quyết định có hiệu lực.

Nếu chúng ta thực hiện đúng tinh thần của quyết định thì sẽ không gây xáo trộn trong kinh doanh, sức khỏe người dân sẽ được bảo vệ tốt hơn.

* Một vài ý kiến cho rằng hiện nay hạ tầng ngành thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Các cửa hàng tiện lợi đạt chuẩn vẫn còn hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân là rất lớn?

* Thời gian qua, TP đã tập trung sắp xếp, chỉnh trang hơn 235 ngôi chợ truyền thống; đã xây dựng hoàn chỉnh và đang triển khai các đề án phát triển thương mại điện tử; đề án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ và nay là quy hoạch kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố, với mục đích là phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là mong muốn, kỳ vọng của TP nhằm phát triển ngành thương mại - dịch vụ theo đúng định hướng, từng bước trở thành một TP văn minh, hiện đại.

Trong quá trình phát triển, cùng với nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, tất yếu thị trường sẽ hình thành nhiều phương thức mua bán mới đa dạng hơn, hiện đại và văn minh hơn.

* Ngày 10-8 quyết định sẽ có hiệu lực. Vậy lộ trình thực hiện thì sao, thưa bà ?

* Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tiễn, TP sẽ có lộ trình và kế hoạch triển khai phù hợp. UBNDTP đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, tập trung rà soát, khảo sát các chợ đã được đầu tư xây dựng nhưng sử dụng không hết công năng, bỏ trống để tránh lãng phí, đồng thời căn cứ điều kiện trên từng địa bàn, có biện pháp sắp xếp phù hợp để bà con có nơi, có chỗ buôn bán ổn định, thuận tiện, với yêu cầu phải chấp hành nghiêm túc các điều kiện về chất lượng VSATTP, yêu cầu về quản lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.

Đây là vấn đề thiết thân liên quan đến sức khỏe của chính mỗi người dân và vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Tôi mong rằng bà con sẽ ủng hộ chủ trương đúng đắn của thành phố.

Việc dẹp dần các chợ tự phát, chợ tạm bước đầu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, kiên trì, thuyết phục của chính quyền cơ sở, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân TP, tôi tin rằng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn Phó Chủ tịch! 

THÚY HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục