Doanh nghiệp trước cơn sốt xăng dầu

Rà soát sản phẩm, chấn chỉnh sản xuất

Các điểm bán xăng vẫn hoạt động bình thường
Rà soát sản phẩm, chấn chỉnh sản xuất

“Cơn sốt” dầu mỏ vẫn chưa có dấu hiệu bình ổn khi giá dầu mỏ thế giới ngày 14-8 đã tăng đến mức kỷ lục  trên 67 USD/thùng khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với hàng loạt khó khăn. Còn trong nước, nhiều doanh nghiệp đang phải chống chọi khó khăn.

Rà soát sản phẩm, chấn chỉnh sản xuất ảnh 1

Ảnh: Việt Dũng

Giá xăng dầu tăng đã tác động toàn diện đến nền kinh tế trong những tháng qua và dự báo những tháng tới còn rất khó khăn. Không thể tránh được việc tăng giá vận tải, gây tăng giá chi phí đầu vào của tất cả các doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề vì giá vận tải biển đang tăng rất cao. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang cho biết, giá vận tải biển tăng ảnh hưởng đến nhiều đơn hàng xuất khẩu của công ty. Không chỉ có thế, dây chuyền ống thủy tinh bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá nhiên liệu tăng cao khiến giá thành bị đội lên.

Bà Thoa cho biết, công ty đã cầm cự mấy tháng qua nên vừa rồi có thông báo với khách hàng phải tăng giá đối với các đơn hàng giao vào tháng 11, nhưng khách hàng ngay lập tức đã phản ứng bằng việc cắt hợp đồng. Trong nước, công ty cũng có ý định tăng nhẹ giá bán nhưng sức mua trong nước quá yếu, khả năng có thể bị mất thị trường nếu tăng giá khiến công ty không dám phiêu lưu. “Tình hình thực sự khó khăn”- bà Thoa đã nói như vậy. Điện Quang đang phải cố gắng phấn đấu đưa tỷ lệ hàng loại A tăng thêm 1% nữa, nhưng quả thật khó đạt được. 

Còn ở Công ty Sành sứ Thủy tinh Việt Nam, không khí sản xuất kinh doanh lắng lại khi giá gas ngày một tăng cao. Mảng kinh doanh chính của công ty là sản xuất lò nung gốm sứ đốt bằng nguyên liệu gas theo công nghệ tiết kiệm năng lượng của Đức. Tuy nhiên, giá gas tăng hàng ngày đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu gốm sứ không còn có lãi, nhiều doanh nghiệp gốm sứ phải hủy bỏ đơn hàng nên lò gas không còn bán được. Bản thân công ty cũng xuất khẩu các loại gốm sứ, nhưng hiện nay các đơn hàng xuất khẩu chựng lại do giá gas tăng cao, giá vận chuyển tăng. Trong ngành gốm sứ nung bằng lò gas, giá nhiên liệu chiếm tới 40% trong giá thành sản phẩm, do đó tìm cách giải bài toán này không phải là dễ dàng.

Trong khi chưa tìm được nguyên liệu đốt thay thế phù hợp thì các đơn hàng xuất khẩu phải tạm ngưng. Không chỉ ngành gốm sứ khó khăn, nhiều ngành sản xuất khác cũng lao đao bởi giá xăng dầu tăng cao. Ngành dệt may khó lòng đạt được kế hoạch xuất khẩu 5,2 tỷ USD khi giá tơ sợi nguyên liệu tăng chóng mặt, trong khi giá đầu ra không tăng, chất lượng vải nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu may hàng xuất khẩu. Việc tăng giá vận tải cũng làm tăng chi phí sản xuất khiến các công ty bị giảm lãi. Ngành nhựa gia dụng vừa qua thật sự gặp “bão” khi giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi nhưng giá bán không tăng. Sau một thời gian cầm cự, đến nay nhiều doanh nghiệp giảm giá bán hàng, thậm chí còn thấp hơn giá thành để thu hồi vốn.

Không khí sản xuất kinh doanh ảm đạm có khả năng tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp rà soát và chấn chỉnh lại những yếu kém của mình, chuyển hướng chiến lược sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Thực tế, do doanh nghiệp Việt Nam có qui mô nhỏ, trang thiết bị cũ kỹ nên tiêu hao nhiều nhiên liệu và nguyên phụ liệu. Do đó, tính toán đầu tư hiện đại hóa thiết bị sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh là điều phải làm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rà soát lại những mặt hàng không có lãi và ngưng sản xuất, tránh để tồn kho chiếm dụng vốn. Ở Công ty Điện Quang, trước mắt  phải rà soát những sản phẩm không có lãi và ngưng sản xuất ngay để tránh nguy cơ thua lỗ. Ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn cho rằng, ngành nhựa gia dụng trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp đầu tư mới nên tính toán đầu tư các sản phẩm nhựa kỹ thuật công nghiệp mà nhiều ngành công nghiệp khác đang cần.

LÊ PHONG 

Các điểm bán xăng vẫn hoạt động bình thường

Chiều qua (16-8), ông Phạm Bá Dục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tại hầu hết các cây xăng trên địa bàn, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường dù có nhiều thông tin về việc ngày 16-8 sẽ tăng giá bán xăng dầu. Theo khảo sát của PV SGGP, trong ngày hôm qua chỉ có cây xăng ở phố Thái Thịnh là mất điện trong một thời gian ngắn, tuy nhiên, hiện tượng này đã được Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định là đúng. Một hiện tượng khác xảy ra vào buổi sáng hôm qua là việc một cây xăng ở trên đường Hoàng Hoa Thám tiến hành kiểm kê hàng hóa vào buổi trưa.

Ông Dục cũng cho biết, trước những thông tin về giá xăng dầu thế giới, khả năng tăng giá bán xăng trong nước, vài ngày gần đây chi cục đã liên tục kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý những dấu hiệu bất thường tại các cây xăng. Nhìn chung, các cây xăng trên địa bàn đều không có hiện tượng tích trữ hàng chờ tăng giá. Hiện trên địa bàn Hà Nội có 185 cây xăng trong tổng số khoảng 9.000 điểm bán xăng trên địa bàn cả nước.

Ng.Q.

Tin cùng chuyên mục