Rắc rối quanh hợp đồng bảo hiểm tài sản

Rắc rối quanh hợp đồng bảo hiểm tài sản

Hiện nay, xu hướng mua bảo hiểm (BH) tự nguyện cho tài sản ngày càng phổ biến. Và mục đích của việc mua BH là khi xảy ra sự cố, tài sản bị hư hại, mất mát… sẽ được phía BH đứng ra hỗ trợ bồi thường. Tuy nhiên, thực tế một số trường hợp tranh chấp quyền lợi BH đang khiến bên mua và bên bán phải kéo nhau ra tòa.

Họa từ trên trời

Rắc rối quanh hợp đồng bảo hiểm tài sản ảnh 1
Xe để dưới tầng hầm cần được quan tâm vì dễ ngập nước. Ảnh: Thủy Tiên

Đơn cử là vụ tranh cãi giữa Ngân hàng TMCP Đại Tín với Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA kéo dài hơn nửa năm qua tại TPHCM. Sự việc xảy ra từ đầu tháng 8-2008. Khi đó, TPHCM xuất hiện một cơn mưa lớn gây ngập trên diện rộng khu vực trung tâm TP. Tầng hầm tòa nhà văn phòng của Ngân hàng Đại Tín bị ngập sâu hơn 1m, gây hư hỏng nặng chiếc Mercedes C230 trị giá hơn 1 tỷ đồng mà ngân hàng đã mua BH với Công ty AAA trước đó.

Theo tường trình của nhân viên Ngân hàng Đại Tín (có xác nhận của chính quyền địa phương), chiều ngày 1-8-2008, khoảng 16 giờ, một cơn mưa lớn bất ngờ ập đến. Sau khoảng 30 phút, nước tràn ngập đường phố với lưu lượng lớn và nhanh chóng tràn vào tầng hầm của cơ quan tại số 75 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM.

Lúc xảy ra sự cố dưới tầng hầm có 3 chiếc xe ô tô (trong đó có chiếc Mercedes C230 4 chỗ, biển số 52P-1980) đang đậu và hơn 10 chiếc xe gắn máy. Đến khoảng 17 giờ, mực nước đã ngập 0,5m. Lúc này, toàn bộ CB-CNV tại đây tập trung xử lý các việc như tắt máy tính, ngắt hệ thống ATS máy phát điện, chuẩn bị ngắt điện lưới, đưa xe máy ra khỏi tầng hầm…

Tuy nhiên, do mực nước dưới tầng hầm nhanh chóng dâng cao đến hơn 1m nên các xe ô tô bị ngập trôi bồng bềnh. Nhân viên không thể đưa xe ô tô ra khỏi tầng hầm do độ dốc quá lớn và xe không khởi động được. Sau đó, toàn bộ nhân viên phải sơ tán khỏi tầng hầm để phòng tránh tai nạn xảy ra do điện giật…

Sau sự cố, sáng 2-8-2008, Ngân hàng Đại Tín đã thông báo tai nạn cho Bảo hiểm AAA về sự vụ. Kết quả giám định sau đó cho thấy chiếc Mercedes bị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Trước đó, theo hợp đồng ký kết giữa hai bên (HĐ số P080-710-08/0046) thì nội dung BH gồm: âm va, lật đổ; hỏa hoạn, cháy nổ; bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, mất toàn bộ xe; tai nạn bất ngờ khác…

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Bảo hiểm AAA trả lời không thể bồi thường mà chỉ hỗ trợ cho Ngân hàng Đại Tín 50 triệu đồng với lý do: “Thiệt hại hệ thống điện của xe BKS 52P-1980 không thuộc phạm vi bảo hiểm vật chất thân xe của Bảo hiểm AAA. Đây cũng không phải là rủi ro bất ngờ”.

Rắc rối câu chữ

Một cán bộ Bảo hiểm AAA giải thích, “rủi ro bất ngờ” phải xảy ra trong thời gian tích tắc, không lường trước được. Tình huống trên có thể lường trước và khắc phục được, nhưng do ngân hàng chủ quan đã chậm trễ và không làm hết khả năng trong việc cứu hộ chiếc xe - tài sản của ngân hàng. Do đó, công ty bảo hiểm không đồng ý bồi thường theo hợp đồng mà chỉ hỗ trợ.

Đại diện ngành bảo hiểm cũng cho rằng, người tham gia bảo hiểm là Ngân hàng Đại Tín đã không mẫn cán trong việc khắc phục sự cố. Diễn biến nước mưa tràn ngập tầng hầm kéo dài từ 16 giờ đến 17 giờ 30 nên không thể cho đó là yếu tố bất ngờ hoặc không lường trước được.

Ngược lại, phía Ngân hàng Đại Tín không đồng ý với quan điểm này và tiếp tục yêu cầu Bảo hiểm AAA phải bảo hiểm cho chiếc xe của họ. Ông Trần Xuân Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín cho biết, việc nước tràn vào trụ sở của ngân hàng và làm hỏng chiếc xe vào chiều 1-8-2008 là “hoàn toàn bất ngờ” với ngân hàng. Ngoài ra, khi nhận xét sự mẫn cán của nhân viên ngân hàng trong việc cứu chữa tài sản, Bảo hiểm AAA nên lưu ý rằng: Nhân viên ngân hàng không có kiến thức, kỹ năng và phương tiện của một nhân viên cứu hộ. Họ cũng không phải là chuyên gia dự báo thời tiết, làm sao có thể đoán được diễn biến của cơn mưa!

Ngày 30-3-2009, Ngân hàng Đại Tín đã chính thức gởi đơn kiện ra Tòa án Nhân dân TPHCM. Kết cục của sự việc này ra sao còn phải chờ phán quyết của tòa án. Qua đây có thể thấy các bên trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm cần hiểu rõ  về quyền lợi và trách nhiệm của mình.

LẠC PHONG


Ý kiến của chuyên gia

Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư TPHCM:
Bảo hiểm AAA không có trách nhiệm bảo hiểm


Công ty CP Bảo hiểm AAA không có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Ngân hàng TMCP Đại Tín. Lý do: Việc ô tô mang biển kiểm soát 52P-1980 bị thiệt hại nặng hệ thống điện do ngập nước tại tầng hầm 75 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM là một rủi ro nhưng không mang yếu tố bất ngờ. Nghĩa là ngân hàng không thể cho rằng mình không thể lường trước được thiệt hại có thể gây ra cho chiếc xe bởi đã có dự báo từ mấy ngày trước của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ. Theo đó, sẽ có mưa lớn bất thường trong 5 ngày đầu tháng 8.

Áp dụng vào trường hợp trên, từ lúc bắt đầu mưa đến lúc nước ngập tầng hầm kéo dài 1 giờ, lẽ ra ngân hàng phải nhìn thấy được rủi ro có thể xảy ra đối với chiếc xe hoặc ít nhất từ thời điểm mưa bắt đầu tràn vào tầng hầm và trời còn mưa.

Trong khoản 1 Điều 575 Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”.

Giả sử sự kiện mưa lớn vào ngày 1-8-2008 và việc nước tràn vào tầng hầm là bất ngờ đối với ngân hàng, thì ngân hàng vẫn có thể hành động trong khả năng cho phép bằng cách đưa xe ra khỏi tầng hầm. Việc làm này kéo dài không quá 5 phút so với khoảng thời gian ngồi nhìn từ lúc nước bắt đầu tràn vào đến khi dâng cao 0,5m là 30 phút. Điều này cho thấy, ngân hàng đã không mẫn cán trong việc khắc phục sự cố.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Trưởng Văn phòng luật sư Giải Phóng:
Ngân hàng Đại Tín có cơ sở đòi bồi thường


Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm, theo quy định của Bộ luật Dân sự, đối với những hợp đồng soạn sẵn, nếu có những điều khoản, từ ngữ có cách hiểu không rõ ràng thì sẽ giải thích sao cho có lợi cho người được BH.

Như vậy, tòa án có thể vận dụng quy định này để xét xử đối với các tranh chấp hợp đồng BH mà các điều khoản của HĐBH không rõ ràng. Trong vụ kiện tranh chấp bảo hiểm giữa Ngân hàng Đại Tín và Công ty Bảo hiểm AAA này, chúng tôi thấy rằng việc Ngân hàng Đại Tín đòi bồi thường thiệt hại cũng có cơ sở.

Phía công ty BH phải chứng minh sự kiện này thuộc các điều khoản loại trừ trách nhiệm BH quy định trong HĐBH và là sự kiện khách quan theo quy định tại Điều 571 – Bộ luật Dân sự.

Tin cùng chuyên mục