Rèn kỹ năng quản lý cảm xúc

Khi con người thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc sẽ rất dễ gây nguy hiểm cho người khác, bởi những cảm xúc tiêu cực bùng phát thông qua các hành động bạo lực, thậm chí là sẵn sàng ra tay sát hại. Do vậy, mọi người cần nhận diện được cảm xúc, quản lý cảm xúc, điều khiển và sử dụng cảm xúc một cách phù hợp.

Nhận diện cảm xúc là thông qua các biểu hiện trên khuôn mặt, điệu bộ và sắc thái biểu cảm của cơ thể, để từ đó có thể phán đoán được các trạng thái cơ bản cảm xúc; phát hiện ra mức độ, cường độ của các cảm xúc đó; gọi được tên các cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực như nóng giận, hồi hộp, xúc động, hung hăng...

Nhận diện được cảm xúc của bản thân cũng như hiểu được bản thân đúng hay sai là việc không dễ dàng. Vì thế, khi mâu thuẫn với người khác, bản thân chúng ta nên chủ động xác định được mức độ cảm xúc và điều chỉnh lại bản thân sao cho trạng thái của mình cân bằng, bởi nếu không cân bằng thì sẽ dẫn đến các nhận định lệch lạc, sai lầm và nguy cơ gây ra hành vi tiêu cực là có thể xảy ra.

Luôn nghĩ thoáng và duy trì một trạng thái lạc quan rằng không có việc gì khó khăn đến mức không thể giải quyết. Điều quan trọng nhất là phải luôn giữ được tâm trạng bình tĩnh của mình.

Thực tế, không ít người khi đối mặt với các xung đột thường “cả giận mất khôn” và để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, trong mọi trường hợp phải chủ động, tỉnh táo để xử lý tình huống và tìm ra cách để giải tỏa các bức xúc tâm lý.

Bất luận hoàn cảnh nào cũng không nên duy trì cảm xúc tiêu cực, nhất là với các mối quan hệ trong gia đình họ hàng. Hãy dùng sức mạnh của ý chí, của bản lĩnh, niềm tin, để từ đó kiềm chế cảm xúc chẳng hạn như hít thở sâu, hướng bản thân tập trung vào công việc khác, nghĩ đến những điều tốt đẹp…

Duy trì trạng thái cảm xúc một cách cân bằng, tránh sự thái quá trong thực hiện hành động là điều rất cần thiết. Người biết tự điều khiển cảm xúc thường luôn biết bình tĩnh trong cách xử trí, biết cân nhắc và thể hiện sự điềm tĩnh để đi đến những quyết định đúng đắn, sáng suốt. Một khi không giải quyết được thì tìm cách lựa chọn đến cơ quan pháp luật.

Người biết sử dụng cảm xúc hiệu quả là người không chỉ dừng lại ở mức nhận dạng, kiểm soát và điều khiển cảm xúc, mà còn biết chủ động làm thay đổi cường độ, nhịp độ của cảm xúc trong mỗi tình huống.

Khi biết chế ngự cảm xúc tốt thì bản thân luôn chủ động, biết giải quyết hài hòa các mâu thuẫn. Biết lấy sự san sẻ, yêu thương, cảm thông để thay thế cho sự ghen ghét, thù hằn thì các xung đột dù căng thẳng thế nào cũng sẽ được giải quyết êm đẹp.

Tin cùng chuyên mục