Robot chăm sóc người già lên ngôi

Công ty Viễn thông KT Corp của Hàn Quốc đang liên doanh với Internet Kakao Corp nhằm phát triển một robot đồng hành. Robot này hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ người già trong bối cảnh số người già ở nước này tăng hơn 30%.
Các kỹ sư phát triển mẫu robot cho người già ở Hàn Quốc
Các kỹ sư phát triển mẫu robot cho người già ở Hàn Quốc

Theo số liệu thống kê chính thức, vào năm 2020, số người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên là 7,85 triệu người, trong đó 1,66 triệu người là những người cao tuổi độc thân, tăng 35,8% so với mức 1,22 triệu người ghi nhận vào năm 2015. Số người cao tuổi sống độc thân đang tăng nhanh tại Hàn Quốc cho thấy tình trạng già hóa dân số của nước này ngày càng trầm trọng.

Vì vậy, hàng loạt công ty Hàn Quốc đã phát triển các robot đồng hành hoạt động dựa trên AI để phục vụ người già, đồng thời tăng tính cạnh tranh với các nước láng giềng và phương Tây. Theo Cơ quan Xúc tiến công nghiệp robot Hàn Quốc, thị trường robot trong nước đã tạo ra doanh thu 5,33 ngàn tỷ won (4,57 tỷ USD) trong năm 2019 và dự báo sẽ tăng lên 20 ngàn tỷ won (17,15 tỷ USD) vào năm 2025. Việc thúc đẩy chế tạo robot của các công ty công nghệ đã đạt được động lực mạnh mẽ hơn kể từ khi bắt đầu đại dịch, với việc mọi người ưa chuộng các giao dịch không tiếp xúc để tránh bị lây nhiễm Covid-19. 

Theo KT, robot đồng hành sẽ có những động tác cơ bản giống con người như gật đầu và khoanh tay, đồng thời được trang bị nội dung tương tác dựa trên công nghệ loa thông minh của KT để phục vụ trẻ em và người già như một người bạn đồng hành. Chẳng hạn, robot có thể được điều khiển bằng giọng nói và cung cấp dịch vụ tập thể dục cho trẻ em cũng như các dịch vụ chăm sóc người bệnh. KT gần đây đã bắt đầu bán các robot phục vụ trên trang web của mình, sau khi tung ra robot công nghiệp sử dụng trong các nhà máy thông minh dựa trên 5G được hợp tác phát triển với Công ty Hyundai Robotics vào năm ngoái. KT Telecom cho biết, họ sẽ kết hợp các giải pháp 5G và công nghệ robot để mở rộng thị phần trong thị trường robot, nhắm đến cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, KT Telecom cũng đang hợp tác với các khách sạn địa phương sau khi giới thiệu thành công một quản gia robot tự động trang bị giọng nói AI được nâng cấp và các giải pháp công nghệ, bao gồm lập bản đồ trực quan. Nhà khai thác viễn thông này đang có kế hoạch áp dụng công nghệ trợ giúp đặc biệt bằng robot cho một loại robot mới để triển khai trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như chuyển phát thư.

Một nhà khai thác viễn thông khác của Hàn Quốc là SK Telecom đang củng cố quan hệ đối tác với các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ để kết hợp các giải pháp mạng 5G của mình vào robot. Hồi tháng 4, SK Telecom đã triển khai robot khử trùng dựa trên 5G tại một bệnh viện địa phương, có hệ thống định vị thời gian thực và giải pháp nhận dạng khuôn mặt dựa trên AI. Trong khi đó, nhà khai thác viễn thông LG Uplus đang phát triển một robot tự động hỗ trợ 5G cùng với Unmanned Solution, một công ty di động. Nguyên mẫu của robot cho thấy khả năng di chuyển trong khu vực được chỉ định trong khi thực hiện các quy trình kiểm tra thiết bị an toàn. LG Uplus cho biết họ sẽ tung ra các robot mới cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như quản lý môi trường và bảo vệ chống lại virus.

Mặc dù phần lớn các công ty đã đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa thu được lợi nhuận, vì cần có thời gian để phát triển robot và phải khấu hao các khoản đầu tư, trên thực tế còn rất nhiều công ty công nghệ khác cũng quan tâm đến việc tham gia vào thị trường robot đang phát triển nhanh chóng tại Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục