Rối như tơ vò

Nghỉ làm vì con ở nhà
Rối như tơ vò

Đóng cửa nhà trẻ không phép

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ bảo mẫu nhà giữ trẻ tư nhân bạo hành trẻ em, chính quyền TPHCM đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa các cơ sở giữ trẻ không đủ điều kiện hoạt động, hạn chót là ngày 30-12-2013. Dư luận đồng tình với chủ trương này, nhưng cũng không khỏi băn khoăn lo lắng, bởi công nhân, lao động nghèo chưa biết gửi con ở đâu.

Trường Mầm non Sao Mai (phường 26, quận Bình Thạnh) là một trong những mô hình trường mầm non thực hiện tốt việc xã hội hóa giáo dục.

Trường Mầm non Sao Mai (phường 26, quận Bình Thạnh) là một trong những mô hình trường mầm non thực hiện tốt việc xã hội hóa giáo dục.

Nghỉ làm vì con ở nhà

Anh Trần Văn Thường (ngụ cao ốc Tam Phú, phường Tam Phú, quận Thủ Đức giãi bày: “Hay chuyện bảo mẫu nhà giữ trẻ Phương Anh đánh đập các cháu nhỏ tàn nhẫn quá, vợ chồng tôi nhìn nhau âu lo, không biết nơi mình gửi con có nạn bạo hành không. Nhưng nếu không gửi ở nhà giữ trẻ tư nhân thì không biết làm sao, bởi đâu dễ xin được cho con vào nhà giữ trẻ công. Hai vợ chồng cùng đi làm, nếu nơi đang gửi con bị đóng cửa thì vợ hoặc chồng phải nghỉ ở nhà để giữ con. Đây là dịp cuối năm, tết sắp đến, nên khó kiếm ra người trông nhà giữ trẻ; mà thu nhập thấp cũng không thể chi vài triệu đồng mỗi tháng cho việc mướn người trông trẻ”. Không riêng gia đình anh Thường mà nhiều gia đình có con nhỏ ở khu cao ốc này cũng đang rối như tơ vò, chưa biết cách nào. Nhiều vợ chồng công nhân đã phải “cầu viện” bố mẹ từ quê vào để giúp chăm con cho đến tết, ra giêng sẽ tính tiếp.

Chị Lưu Thị Liên ở chung cư 409 (đường Kha Vạn Cân, phường 13, quận Bình Thạnh) mới gửi con đi nhà trẻ chưa được 1 tuần đã vội cho con thôi học. Bà ngoại sau gần 1 năm vào đây chăm cháu, đang nôn nao trở về quê thì phải trả lại vé tàu để ở lại tiếp tục chăm cháu. Bà nhớ quê muốn về lắm, nhưng khi nghe thông tin về vụ bảo mẫu nhà giữ trẻ Phương Anh bạo hành trẻ em, bà lo lắng, không gửi cháu đi nhà trẻ nữa. Nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn có người nhà để giúp giữ cháu như vậy, nhiều gia đình công nhân đang chới với chưa biết gửi con ở đâu khi nghe tin các cơ sở giữ trẻ không có giấy phép sắp phải đóng cửa.

Cần có lộ trình

Theo số liệu của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 4.000 nhóm, nhà trẻ không phép. Thực tế còn có thể nhiều hơn. Các nhóm, nhà trẻ này tập trung ở khu dân cư tại các quận, huyện vùng ven - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Phí gửi trẻ thấp và linh hoạt về giờ đưa đón trẻ, do vậy đối tượng gửi con ở nhóm, nhà trẻ không phép thường là con công nhân, dân nhập cư và lao động nghèo. Mặt hạn chế dễ thấy của các cơ sở này là mặt bằng chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn và không có sự kiểm soát, quản lý nên dễ xảy ra nạn bạo hành trẻ em.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Thủ Đức tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, dân nhập cư đông nên cũng có nhiều nhóm, cơ sở giữ trẻ không phép. Thực hiện chủ trương của TP, quận kiên quyết đóng cửa các trường, nhóm trẻ không phép. Quan điểm của quận là cùng với việc đóng cửa các cơ sở không phép phải đảm bảo việc tổ chức giữ trẻ, hạn chế xáo trộn đời sống và công việc của phụ huynh, nhất là đối tượng công nhân. Hiện nay, quận đã chỉ đạo tổ chức rà soát các cơ sở giữ trẻ không phép và số lượng các cháu ở đó để có biện pháp giải quyết thích hợp. Đối với các nhóm trẻ gia đình giữ ít cháu và các cơ sở, trường nuôi dạy trẻ đã có điều kiện gần đạt chuẩn, quận sẽ hỗ trợ để hoàn chỉnh, đủ điều kiện cấp phép. Còn những cơ sở giữ trẻ không đủ điều kiện thì dứt khoát đóng cửa. Các cháu đang được gửi ở các cơ sở, trường bị đóng cửa, quận sẽ bố trí vào những điểm trường, nhóm gần đó, nhằm giảm đến mức tối đa việc các cháu phải ở nhà. 

Thực tế từ điểm nóng Thủ Đức cho thấy việc đóng cửa các trường, nhóm không phép, điều chuyển các cháu nhỏ cũng chỉ là biện pháp khẩn cấp, tạm thời. Về lâu dài, các quận, huyện cần có chính sách thu hút đầu tư để phát triển cơ sở giữ trẻ trong khu dân cư, đặc biệt là ở các quận, huyện vùng ven nơi tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục