Rối rắm từ Thông tư 32

Rối rắm từ Thông tư 32

Sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), gọi tắt là Thông tư 32, bên cạnh ý kiến đồng tình, ủng hộ thì cũng có khá nhiều ý kiến phản ứng gay gắt về việc giới hạn quy mô đào tạo. Rất nhiều trường bị Thông tư 32 “cài” vào thế phạm luật, khi quy mô đào tạo vượt con số 15.000 sinh viên như Bộ GD-ĐT quy định.

Bỗng dưng… phạm luật  

Có thể nói, Thông tư 32 có 3 điểm mới thu hút sự quan tâm của các cơ sở đào tạo. Đó là: Tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo khối ngành; diện tích sàn xây dựng/sinh viên; quy mô sinh viên chính quy tối đa (tiêu chí 3) khi các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Về tiêu chí 3, trong đó Bộ GD-ĐT chia 3 mức quy mô: 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành nghệ thuật; 8.000 sinh viên đối với khối ngành sức khỏe; 15.000 sinh viên đối với khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên, kinh doanh và quản lý, pháp luật, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản…

Trường ĐH Công nghệ TPHCM quy mô hơn 20.000 sinh viên mà Bộ GD-ĐT không đưa vào danh sách “phạm luật”

Thực tế cho thấy, tiêu chí thứ 3 được xem như là giới hạn quy mô hoạt động của các cơ sở đào tạo. Việc giới hạn đột ngột và thiếu tính khoa học này đã đẩy hàng loạt trường vào thế phạm luật và không biết giải quyết thế nào. Sau khi ban hành Thông tư 32, ngày 24-12-2015, Bộ GD-ĐT ký công văn số 6706 hướng dẫn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 và yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định tại Thông tư 32.

Sự việc càng trở nên căng thẳng khi Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) công bố trong 219 trường ĐH, hiện chỉ có 18 trường vượt quy mô theo tiêu chí 3, gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội trên 26.000 sinh viên, ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Công nghiệp TPHCM trên 24.000 sinh viên, ĐH Cần Thơ hơn 32.000 sinh viên, ĐH Kinh tế TPHCM trên 22.000 sinh viên, ĐH Nông Lâm TPHCM gần 17.000 sinh viên… (tuy nhiên, thực tế Bộ GD-ĐT còn bỏ sót rất nhiều trường như ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành…). Như vậy, 18 trường này bỗng dưng trở thành những trường vi phạm luật khi có quy mô sinh viên ĐH chính quy vượt quy định Bộ GD-ĐT đưa ra trước đó vài ngày. 

Giảm cơ hội học trường tốt

Trước đây, việc xác định chỉ tiêu (Thông tư 57) chỉ dựa vào nguồn lực, năng lực của các cơ sở đào tạo bằng 2 tiêu chí là số lượng sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng/sinh viên. Tuy nhiên, Thông tư 32 thêm tiêu chí thứ 3 là “quy mô sinh viên chính quy tối đa” là việc làm thiếu tính khoa học, thiếu nghiên cứu và không có tính khả thi.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, phân tích: “Tiêu chí thứ 3, theo tôi là tiêu chí giới hạn “quy mô sản xuất” của các trường. Khi quy mô sản xuất bị hạn chế, sẽ khó tránh khỏi xảy ra tình trạng có một số nơi nguồn lực (đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, cơ sở vật chất) bị dư thừa không thể sử dụng hết, gây lãng phí cho xã hội. Không lẽ các chuyên gia của bộ không biết điều đó?”. PGS-TS Đỗ Văn Xê cũng cho rằng: “Bộ GD-ĐT muốn thực hiện chủ nghĩa bình quân, chia đều chỉ tiêu khi bộ điều phối, để cho tất cả các trường đều có người học. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng “trường đại học không phải là cái lò bánh mì”. Lò bánh mì dù mới thành lập thì vẫn có thể nướng được ổ bánh mì có chất lượng như nhau, nhưng trường đại học mới thành lập không thể đào tạo có chất lượng tốt như những trường có bề dày lịch sử”.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT có vẻ muốn cứu các trường không tuyển sinh được, chủ yếu là các ĐH, CĐ cả công và tư ít chịu đầu tư cho con người và cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi lẽ, hiện nay đa số các trường có quy mô hơn 15.000 sinh viên là những trường có uy tín, chất lượng, sinh viên ra trường không bị thất nghiệp; mặc dù đào tạo nhiều nhưng có đội ngũ thầy cô giáo giỏi và cơ sở vật chất tốt. Thông tư 32 thực chất là giảm bớt cơ hội của người học vào các trường tốt, đẩy các em qua các trường kém chất lượng và tuyển sinh không được, dẫn đến thất nghiệp càng cao”. Ngoài ra, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, với mức học phí cho sinh viên các trường kỹ thuật (chưa tự chủ tài chánh) hiện nay khoảng 7 triệu đồng/năm mà áp đặt tiêu chí 20 sinh viên/giảng viên thì tiền học phí và cả kinh phí chi thường xuyên không đủ để lo điện nước, trang thiết bị, vật tư thực tập và lương tăng thêm của giảng viên. Hậu quả là sẽ xảy ra tình trạng như những năm 1980 - 1995, số thầy giỏi do thu nhập quá ít sẽ bỏ ra doanh nghiệp làm, không thu hút được người tài về trường công tác và chất lượng đào tạo sẽ giảm. Khi nào học phí đủ cho chi phí đào tạo thì các trường sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo”.

Thực tế cho thấy, Bộ GD-ĐT đi ngược lại với tinh thần “đảm bảo tính phù hợp với quy định hiện hành, tránh việc thay đổi quá lớn, quá đột ngột ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch hoạt động của các cơ sở đại học” khi áp dụng tiêu chí thứ 3 trong Thông tư 32. Bởi lẽ, khi áp dụng Thông tư 32 trong xác định chỉ tiêu sẽ làm xáo trộn kế hoạch hoạt động cũng như định hướng phát triển của các trường.

 Các trường quá rối

Ngày 16-12-2015, Bộ GD-ĐT công bố Thông tư 32. Ngày 24-12-2015, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn 6706 hướng dẫn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 và yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định tại Thông tư 32, đồng thời cho phép các trường lùi thời hạn xác định, đăng ký chỉ tiêu đến trước ngày 5-2-2016 (những năm trước là 31-12 hàng năm).
Đến ngày 31-12-2015, Bộ GD-ĐT lại ra văn bản 6843 chữa cháy cho tiêu chí 3 của Thông tư 32 đối với các trường có quy mô sinh viên đại học chính quy vượt quy định bằng yêu cầu: các trường xây dựng lộ trình giảm dần quy mô sinh viên đại học chính quy gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 31-3-2016 để xem xét; riêng năm 2016, các trường xác định chỉ tiêu được tính theo tiêu chí 1 và 2 tại Thông tư 32 và không vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục