Rộn ràng không khí tết

Chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ngày này, không khí xuân đã tràn ngập từng con đường, góc phố.

Rực rỡ sắc xuân

Tại các chợ hoa nổi tiếng của Hà Nội như Nhật Tân, Quảng Bá, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Vạn Phúc (quận Hà Đông), Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm)… mai, đào, quất cảnh muôn nơi tấp nập đưa về. Chợ hoa Hàng Lược ở trung tâm Hà Nội, một đoạn “phố bích họa” Phùng Hưng, phố Hàng Mã… đều đã cấm xe để phục vụ người dân dạo bộ, checkin chụp ảnh, mua bán đào, quất cảnh, lồng đèn và đồ trưng tết. Khách du lịch nước ngoài đổ về tham quan, ăn uống ở khu phố cổ Hà Nội dịp này rất đông. Quanh Hồ Hoàn Kiếm, những bồn hoa đủ sắc màu đã được trưng bày rực rỡ, cách một quãng lại đặt một chậu đào tết, giúp Bờ Hồ đượm sắc xuân hơn. Buổi sáng và chiều, nhiều khách du lịch, các cô gái với áo dài đã đến Bờ Hồ chụp ảnh.

Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán này, tại Hà Nội sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm không khí tết cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong đó, chương trình “Tết phố năm 2024” tại phố bích họa Phùng Hưng kéo dài đến 9-2 (30 tết); chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam…

Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội sẽ trang trí không gian tết truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ và trưng bày các sản phẩm tranh, gốm… chủ đề con giáp của năm 2024, biểu diễn âm nhạc truyền thống. Điểm mới của tết năm nay là vào đúng đêm 30 Tết, tại hồ Tây sẽ diễn ra lễ hội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2024 thiết bị bay không người lái (drones). Còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ trưng bày hơn 300 tài liệu, hiện vật lịch sử để người dân tới du xuân, thưởng tết.

Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 (Phố ông đồ) được tổ chức xuyên tết xung quanh Hồ Văn thuộc Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hơn 40 ông đồ tham gia, để phục vụ nhu cầu xin chữ, chơi chữ đầu xuân năm mới. Dịp này, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tính truyền thống để phục vụ khách du xuân như tái hiện không gian thi cử truyền thống, giới thiệu làng nghề, các tiết mục ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu văn… Hội chữ Xuân kéo dài đến ngày 19-2 (mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Lung linh thành phố mang tên Bác

Tại Hồ Con Rùa (quận 3, TPHCM) chiều 6-2, các tiểu cảnh được dựng lên thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh. Nhiều bạn trẻ mặc áo dài truyền thống, cầm nhành hoa đào, hoa mai chụp bộ hình duyên dáng đón xuân mới Giáp Thìn. Nắng vàng rực rỡ càng tô thắm hình ảnh các nam thanh, nữ tú trong những ngày xuân của đất nước.

g2b-2739.jpg
Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM có nhiều không gian văn hóa truyền thống đón tết. Ảnh: THU HOÀI

Cách Hồ Con Rùa chưa đến 500m, Nhà văn hóa Thanh niên thu hút hàng trăm du khách đổ về chụp ảnh, mua sắm. Bên trong nhà văn hóa là khu mua sắm với các quầy hàng bán đồ truyền thống, đồ lưu niệm hoặc tái hiện không gian miền quê Việt Nam như bếp củi, làng nghề truyền thống, bình gốm… Các dịch vụ cho thuê áo dài, phụ kiện… cũng xuất hiện để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách.

Trước khuôn viên chợ Bến Thành (quận 1), Tết năm nay được thiết kế thành “khu phố ông đồ”, tái hiện phong tục xin chữ đầu năm, các gian hàng ẩm thực đa dạng món ăn. Có mặt tại chợ Bến Thành từ hơn 2 giờ chiều, dù trời đang nắng nóng nhưng các bạn trẻ vẫn tranh thủ mặc áo dài chụp hình đón xuân. Thanh Thảo (16 tuổi, học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu) cho biết, em cùng các bạn đã có ý tưởng chụp bộ ảnh đón xuân để kỷ niệm tháng năm thanh xuân đẹp đẽ.

“Chúng em xin phép bố mẹ mua áo dài, cùng nhau ra chợ Bến Thành và phố đi bộ để chụp hình đón xuân. Năm nay chợ Bến Thành có ngày hội văn hóa dân gian nên trang trí rất đẹp, có nhà tranh, nón lá, giống như bọn em đang được đón tết ở quê”, Thảo chia sẻ.

Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn đã dần hoàn thiện và sẽ bắt đầu khai mạc từ chiều hôm nay 28 Tết. Các tiểu cảnh linh vật hình rồng, khu vực triển lãm tư liệu, các xuất bản phẩm về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị xong. Đường hoa Nguyễn Huệ, vốn được chờ đợi nhất trong dịp Tết Nguyên đán tại TPHCM đã gần như hoàn thiện các hạng mục trang trí, dự kiến phục vụ nhu cầu du xuân của người dân và du khách từ 19 giờ tối 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tết.

Tin cùng chuyên mục