Mùa ruốc biển năm nay, ngư dân các phường Phú Hài, Hàm Tiến, Mũi Né của TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) phấn khởi vì được cả mùa lẫn giá. Mặc dù không phải nghề chính, nhưng khai thác ruốc biển hàng năm đã mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho ngư dân nơi đây.
Mới 5 giờ sáng, không khí nhộn nhịp đã bao trùm khắp các bờ biển ở TP Phan Thiết. Cách bờ chừng 1 hải lý, hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ đang dập dềnh trên những con sóng để tất bật cào ruốc. Trên bờ, những ngư dân không có tàu thuyền cũng tranh thủ dùng lưới đi men theo bờ biển để bắt ruốc. Theo những ngư dân đi biển lâu năm, thường mùa ruốc biển bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 12 âm lịch. Trong khoảng thời gian này, ruốc thường xuất hiện và đi theo từng luồng dưới những con sóng trôi sát gần bờ nên công việc đánh bắt khá thuận lợi. Để đánh bắt ruốc, ngư dân thường dùng loại lưới dày có chiều dài khoảng 60 - 70m.
Ngư dân TP Phan Thiết phấn khởi vì mùa ruốc năm nay được cả mùa lẫn giá
Phấn khởi với mẻ ruốc đầy ắp mới đưa từ biển lên, anh Nguyễn Minh Vương (ngụ phường Hàm Tiến) cho biết: “Những ngày này, gia đình tôi dậy từ khi 4 giờ sáng để đi cào ruốc. Nếu thời tiết thuận lợi, con nước yên thì mỗi ngày gia đình tôi bắt được gần 2 tạ ruốc, thu về khoảng 2 triệu đồng”. Được thiên nhiên ưu đãi, năm nay, trữ lượng ruốc tại vùng biển TP Phan Thiết khá dồi dào, đem lại niềm vui lớn cho bà con ngư dân nơi đây. Hiện tại, giá một ký ruốc tươi dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ. “Có ngày ruốc về nhiều thì gia đình tôi đi đánh bắt hai chuyến. Mỗi chuyến cũng kiếm được tiền triệu, nhờ đó cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ vất vả hơn”, chị Lê Thị Phái (ngụ phường Phú Hài) bộc bạch.
Ruốc sau khi được đưa từ biển lên sẽ được nhặt sạch rác, sau đó ngư dân bán thẳng cho thương lái chờ sẵn trên bờ. Hiện trên địa bàn TP Phan Thiết có rất nhiều cơ sở thu mua và chế biến ruốc. Ruốc biển nơi đây được chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như phơi khô, làm nước mắm, mắm… Đặc biệt, mắm ruốc Phan Thiết từ lâu đã trở thành sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương, được thị trường trong nước ưa chuộng. Ruốc biển sau khi đánh bắt được rửa sạch để ráo nước, cho vào chum sành hoặc các bể xi măng đậy nắp kín và phơi ngoài nắng. Nắng càng to thì mắm ruốc càng nhanh lên men, phơi khoảng hơn 3 tháng ruốc ngả màu tím là chín, có mùi thơm rất đặc trưng. Ngoài các sản phẩm trên, với vị ngọt thanh tao, ruốc biển có thể chế biến các món ăn tươi ngon như: xào, nấu canh, trộn gỏi…
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, nghề khai thác ruốc biển không phải là nghề chính của người dân nơi đây nhưng vào chính vụ, nhiều bà con tranh thủ ra biển đánh ruốc để trang trải cuộc sống. Nhờ nguồn hàng dồi dào nên ruốc Phan Thiết cũng đã có mặt ở nhiều thị trường và rất được ưa chuộng.
NGUYỄN TIẾN