Rủi ro đầu tư khi luật không nhất quán

Lâu nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn cho rằng: “Pháp luật Việt Nam thay đổi liên tục là một rủi ro trong đầu tư”. 
Ngày càng nhiều du khách đến Phú Quốc bằng tàu cao tốc
Ngày càng nhiều du khách đến Phú Quốc bằng tàu cao tốc
Việc đó đúng với câu chuyện của Công ty CP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (viết tắt Superdong). Từ khi thành lập, doanh nghiệp thực hiện đúng giấy chứng nhận đầu tư, nhưng bất ngờ bị truy thu thuế vì pháp luật thay đổi! Điều bất ngờ là doanh nghiệp này nhiều năm được ngành thuế tuyên dương khen thưởng về thành tích “Thực hiện tốt chính sách thuế”, nay bỗng bị cơ quan thuế truy thu và xử phạt trên 57 tỷ đồng ngay trong khoảng thời gian được khen thưởng!

Vừa được khen, vừa bị… phạt

Công ty Superdong thực hiện lời kêu gọi đầu tư vào huyện đảo Phú Quốc với dự án đầu tư ban đầu là 2 tàu chở khách từ Kiên Giang ra Phú Quốc. Doanh nghiệp (DN) thành lập năm 2007, ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách và hàng hóa, cung cấp dịch vụ du lịch. Cổ đông lớn nhất là nhà đầu tư Malaysia. Trong giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ, công ty được hưởng ưu đãi thuế 10% trong thời gian 50 năm. Trong quá trình kinh doanh và phát triển, lưu lượng khách ngày một đông nên Superdong đầu tư thêm nhiều tàu mới. Hàng năm, công ty đều thuê đơn vị kiểm toán đến kiểm toán và khai báo, nộp thuế nghiêm túc. Nhiều năm liền Superdong được UBND huyện, Chi cục Thuế, Tổng cục Thuế… tặng giấy khen, bằng khen về thành tích thực hiện tốt chính sách thuế, nhưng… 

Mới đây, Chi cục Thuế huyện Phú Quốc - cơ quan quản lý thuế Superdong - thông báo truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp công ty này với số tiền lên tới 37,7 tỷ đồng. Cùng với việc truy thu, cơ quan thuế áp dụng phạt 5,7 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế từ thời điểm phải truy thu đến nay là hơn 14 tỷ đồng. Tổng số tiền truy thu và phạt mà Superdong phải nộp lên đến hơn 57 tỷ đồng. Lý do, theo các văn bản luật sửa đổi thì trong 3 năm (2010 - 2013) công ty không được ưu đãi thuế!

Việc phải nộp một số tiền (truy thu và phạt) lớn như thế đã khiến cho các cổ đông phản ứng dữ dội, vì nó ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty, cũng như cổ tức của cổ đông. Superdong từ một DN “hot”, hàng năm chia tỷ suất lợi nhuận cổ tức đến 50% - rất ít DN nào có được mức cổ tức cao như thế và cổ phiếu của Superdong trên sàn giao dịch chứng khoán luôn trên 5.0, thế nhưng với thông tin truy thu thuế và nộp phạt số tiền lớn bị phát tán, chỉ trong vài ngày, cổ phiếu của Superdong giảm xuống còn mức 3.2. 

Mặc dù thông báo về việc truy thu thuế đã được công ty cảnh báo trong báo cáo kiểm toán từ tháng 3 năm nay, nhưng các cổ đông không quan tâm, cho đến khi cơ quan thuế ra quyết định chính thức truy thu thuế thì cổ đông tá hỏa, cho rằng ban lãnh đạo công ty cố tình giấu thông tin. Còn ban giám đốc công ty thì cho biết, đang khiếu nại lên cơ quan thuế và chờ trả lời nên chưa ghi nhận vào sổ sách kế toán và báo cáo tài chính. Hiện công ty đang mòn mỏi chờ cơ quan thuế phúc đáp.

Luật nhập nhằng…

Trong đơn khiếu nại của mình, Công ty Superdong cho rằng, mình làm đúng theo giấy chứng nhận đầu tư. Hàng năm khai thuế và được cơ quan thuế tiếp nhận, khen thưởng, tự dưng nay bị truy thu nộp phạt là không hợp lý. Đã vậy, để an toàn trong hoạt động kinh doanh, công ty cũng mời cả kiểm toán để kiểm toán hàng năm. Nếu các quy định nhà nước có thay đổi thì trong quá trình khai thuế, cán bộ thuế phải thông báo để công ty biết mà điều chỉnh, sao lại để sự việc đi quá xa như thế!

Cụ thể, theo hồ sơ, Superdong được thành lập vào cuối năm 2007 với dự án ban đầu là đầu tư 2 tàu cao tốc. Trong giấy chứng nhận đầu tư ban đầu ghi rõ thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho suốt thời gian thực hiện dự án. Khi đó đảo Phú Quốc được xác định là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên trong giấy chứng nhận đầu tư còn cho DN được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế trong 9 năm tiếp theo. Hiện nay, công ty đầu tư thêm tàu để đáp ứng nhu cầu phát triển và vẫn khai thuế như trong giấy chứng nhận đầu tư, vậy tại sao lại bị truy thu và phạt? Theo cơ quan thuế, lý do chính đó là, sau khi DN thành lập 1 năm thì Nghị định 124/2008/NĐ-CP ra đời; nghị định mới quy định DN có dự án mở rộng (trong trường hợp này là mua thêm tàu - phóng viên) thì không được hưởng ưu đãi thuế. Theo Thông tư 123/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định này, cũng nói rõ, chỉ dự án đầu tư mới thì mới được ưu đãi thuế, dự án đầu tư mở rộng sẽ không được hưởng ưu đãi. Mặc dù sau đó, Thông tư 78/2014/TT-BTC đã xác định lại dự án đầu tư mở rộng vẫn được ưu đãi thuế nếu thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế. Và đương nhiên các dự án của Superdong thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn vì đã được ghi nhận trong giấy chứng nhận đầu tư; và năm 2013, Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế.

Do giấy chứng nhận đầu tư ghi khác, các văn bản pháp luật thay đổi, hướng dẫn không rõ ràng, khiến việc áp dụng không thống nhất. DN bức xúc cho rằng, tại sao khen thưởng DN nộp thuế tốt, mà giờ lại phạt? DN cũng bức xúc, bởi: “Nếu cơ quan thuế hướng dẫn và thông báo những quy định mới cho chúng tôi kịp thời, khi đó DN sẽ thành lập công ty con, công ty liên kết để đầu tư mới và sẽ được hưởng ưu đãi thuế như ban đầu (thay vì đầu tư mở rộng để phải bị truy thu, nộp phạt)”.
Điều này cũng dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài thắc mắc, họ đã đầu tư từ khi đảo Phú Quốc chưa phát triển, còn được xác định là vùng đặc biệt khó khăn, nhà nước kêu gọi đầu tư, nhưng giờ đây giấy chứng nhận đầu tư vẫn còn hiệu lực, nhưng các cơ quan lại hành xử không nhất quán, khi thì ưu đãi, khi thì không? Những quy định thay đổi liên tục đã đẩy DN vào thế “mắc kẹt”. Câu hỏi đặt ra là cách hiểu nào là đúng, áp dụng theo giấy chứng nhận đầu tư hay các văn bản luật sửa đổi? 

Tin cùng chuyên mục