Rùng mình mối họa “ma men”

Tuyệt đối không lạm dụng
Rùng mình mối họa “ma men”

(SGGPO). - Chỉ một tuần nghỉ Tết, cả nước có tới 2.500 người bị ngộ độc, trong đó hơn 700 trường hợp có nguyên nhân do bia rượu. Khủng khiếp hơn, rượu bia còn là nguyên nhân dẫn tới gần 600 vụ ẩu đả, với 20 trường hợp tử vong và hàng ngàn trường hợp tai nạn giao thông. Tuy nhiên, số bệnh nhân và nạn nhân của “ma men” còn tiếp tục tăng chóng mặt khi cả nước đang vào mùa lễ hội đầu Xuân, cũng là quãng thời gian mà lượng rượu bia được các đệ tử “lưu linh” sử dụng tràn lan, bất chấp những hiểm họa về sức khỏe, cũng như những mối nguy hại đối với xã hội.

Nhậu để... “chết”!

Tối khuya, Khoa cấp cứu bệnh viện Việt Đức vẫn tập nập người ra vào vội vã, còi xe cấp cứu chốc lát lại hú vang khiến nhiều người giật mình hoảng hốt. Tại khu vực sảnh của khoa, một thanh niên bị ngã xe, máu me khắp người vừa được người thân đưa vội lên cáng cấp cứu, miệng vẫn còn lảm nhảm, nồng nặc mùi rượu. Bệnh nhân là anh Nguyễn Xuân H. (32 tuổi, ở Hải Dương). Anh H. khi đi chúc Tết bạn bè từ trưa cho tới tối đã uống hơn 1 lít rượu các loại, sau đó chạy xe máy trên đường về nhà do quá say đã tự đâm vào giải phân cách dẫn tới tai nạn.

Cũng phải vào cấp cứu trước anh H. ít phút là một thanh niên tên Minh được chuyển lên từ Bắc Giang bị đa chấn thương nặng sau khi bị "ma men" dẫn lối điều khiển xe máy đâm vào một ô tô đi cùng chiều.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chỉ một tuần nghỉ Tết mà Khoa cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận trên 520 ca tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là rượu bia. Đáng lo ngại hơn, hầu hết nạn nhân tai nạn giao thông do rượu bia gây ra thường bị chấn thương rất nặng, nhất là chấn thương sọ não và đa chấn thương cùng với nồng độ cồn trong máu rất cao khiến việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những trường hợp phải xin về lo hậu sự vì không thể qua khỏi.

Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc rượu ở BV Bạch Mai

Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, dù đã hết kỳ nghỉ Tết nhưng số bệnh nhân ngộ độc rượu bia phải ở lại điều trị vẫn ở mức cao, khiến các giường bệnh không còn chỗ trống. Nằm bê bết trên giường bệnh và thỉnh thoảng mê sảng là bệnh nhân N.V.K( 35 tuổi, ở Hà Nội). Anh K. được gia đình đưa vào trung tâm cấp cứu trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, nôn ra máu sau khi  "nốc" hết 3 chai vodka trong một bữa nhậu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân K. bị suy thận cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc lo lắng, mặc dù cơ quan y tế đã cảnh báo nhiều về tác hại do lạm dụng rượu bia, nhưng trong những ngày qua, lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu bia vẫn tăng đột biến. Đáng lưu ý, bệnh nhân bị ngộ độc rượu chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 20 – 50, với nhiều ca mà tình trạng ngộ độc ở mức cấp tính cao dẫn tới hôn mê, nhiễm độc máu, ngừng tim, khiến cơ hội sống rất mong manh và nếu có điều trị được cũng mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Nguy hiểm hơn đối với các trường hợp bị ngộ độc rượu có pha cồn công nghiệp (methanol) để tăng nồng độ rượu thường để lại hậu quả rất nặng nề, nhẹ cũng nhiễm độc suy gan, suy thận còn không phần lớn là tử vong.

Nhiều người bị TNGT do lạm dụng rượu bia phải vào bệnh viện cấp cứu

Tuyệt đối không lạm dụng

Ngày đầu Xuân, năm mới, gặp nhau mời uống một chút rượu bia để chúc sức khỏe là một nét văn hóa lâu nay của người Việt. Nhưng đáng buồn khi nét đẹp này đang bị lạm dụng. Nhiều chuyên gia y tế cho biết, uống nhiều rượu bia không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của chính bản thân mà còn đe dọa gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, trong một tuần qua, các bệnh viện trong cả nước đã phải tiếp nhận khám, cấp cứu tới 2.500 trường hợp rối loạn tiêu hoá, ngộ độc, trong đó hơn 700 trường hợp được xác định nguyên nhân do bia rượu. Cùng với đó là gần 4.500 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong đó 550 trường hợp được xác định nguyên nhân do rượu bia và trong số này có 20 trường hợp tử vong. Đặc biệt, các y, bác sĩ đã phải căng mình cấp cứu, điều trị cho gần 35.800 trường hợp bị tai nạn giao thông mà phần lớn là do “ma men” gây ra.

Đáng lo ngại khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến hậu quả gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông. Thế nhưng trong thực tế, hậu quả của việc lạm dụng rượu bia còn đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Rượu bia là ẩn họa của những nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chỉ rõ, rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật và chấn thương. Còn theo số liệu thống kê của WHO, số ca tử vong do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46%, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan). Hơn nữa, trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại bởi nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. Thậm chí một số cá nhân dễ bị tổn thương còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Để bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do rượu bia gây ra nhất là trong mùa lễ hội đầu năm, Cục Y tế dự phòng mạnh mẽ khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia, tức là không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Đồng thời không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Đặc biệt đối với những người uống rượu bia trong các dịp lễ hội nên cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống; nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc; phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia.

 Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%), 1 cốc bia hơi 330 ml, 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục