Rước tượng lạ vào chùa - lúng túng tìm cách giải quyết

Rước tượng lạ vào chùa - lúng túng tìm cách giải quyết

Thông tin về việc sư trụ trì chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, TP Hà Nội, coi thường Luật Di sản văn hóa, tự ý di chuyển, thay đổi các pho tượng cổ trong chùa và đỉnh điểm là việc cho rước một pho tượng lạ về thờ tự đã khiến dư luận không khỏi bức xúc xảy ra từ năm 2013. Đã 2 năm trôi qua nhưng mối quan hệ giữa vị sư trụ trì và người dân địa phương vẫn trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”. Trước đề nghị của trụ trì chùa Chân Long, thầy Thích Minh Phượng, cuối tuần qua, xã Chàng Sơn đã tổ chức một buổi đối thoại giữa nhà sư và người dân địa phương.

Liên tục tái phạm

Theo lãnh đạo xã Chàng Sơn, chùa Chân Long được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc quốc gia (1992) và sư thầy Thích Minh Phượng có quyết định trụ trì chùa từ năm 2011. Cũng bắt đầu từ đó người dân nơi đây đã chứng kiến hàng loạt thay đổi hiện trạng của chùa. Trong đó phải kể đến như việc đào hố, xây dựng công trình mới như garage ô tô, nhà vệ sinh… trong khuôn viên của chùa, một di tích cấp quốc gia mà không hề báo cáo với xã. Theo thống kê, UBND xã đã 18 lần lập biên bản hiện trạng, xác minh về những việc sư thầy Thích Minh Phượng vi phạm Luật Di sản văn hóa. Sự việc trên không chỉ khiến người dân sở tại vô cùng bức xúc mà ngay cả các quyết định xử lý của cơ quan chức năng cũng không được nhà chùa coi trọng. “Trong nhiều vụ việc, sau khi cơ quan chức năng lập biên bản các sai phạm vừa rời khỏi, nhà chùa lại tiếp tục tái phạm nhiều lần”- ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết.

Chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cửa đóng then cài, phía bên trong ngổn ngang gỗ

Không dừng lại ở đó, rất nhiều nghi vấn quanh việc quản lý của nhà chùa cũng được người dân chỉ rõ, như pho tượng vua cha Ngọc Hoàng, có niên đại hàng trăm năm tuổi ở đây bỗng dưng mất tích. Trước sự dồn ép của dư luận, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sư thầy Thích Minh Phượng thông báo đã đem tượng xuống tắm sông Tây Ninh cho mát vì trong quá trình di chuyển pho tượng bằng đất sét đã bị hỏng. Hay việc sư thầy tự coi chùa như tài sản riêng, ra đóng vào khóa và chùa chỉ mở cửa khi sư thầy cho phép.

Tự ý bỏ về, từ chối đối thoại

Được thông báo về yêu cầu được đối thoại với người dân địa phương của sư thầy Thích Minh Phượng, không chỉ những đại biểu được đại diện cho người dân ở Chàng Sơn tập trung đến hội trường của xã mà từ sáng sớm đông đảo người dân địa phương cũng đã bỏ dở công việc thường ngày để theo dõi sự kiện này. Theo ông Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, mục đích của cuộc tổ chức đối thoại là muốn nhân dân và nhà sư Thích Minh Phượng có điều kiện trình bày những suy nghĩ, nguyện vọng, sự việc mà cả hai bên đã làm.

Thế nhưng, tại cuộc đối thoại, dù cuộc họp chưa bắt đầu, sư thầy Thích Minh Phượng đã tự ý bỏ về, khiến nhiều người dân trong xã rất bức xúc. Ông Nguyễn Văn Tâm, trú tại thôn 7, xã Chàng Sơn nói: “Chùa Chân Long là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Chàng Sơn. Thế nhưng kể từ khi sư thầy Thích Minh Phượng về trụ trì đã có những vi phạm về Luật Di sản văn hóa, đồng thời lời ăn, tiếng nói, hành xử chưa đúng của người tu hành”.

Chia sẻ tại buổi “đối thoại” không thành giữa sư thầy Thích Minh Phượng và người dân Chàng Sơn, ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, dù chính quyền và người dân đã rất thành ý, chuẩn bị chu đáo cho buổi gặp gỡ này nhưng rất tiếc đã không nhận được sự hợp tác cần thiết của sư thầy trụ trì chùa Chân Long. Địa phương sẽ có báo cáo kết quả gửi lên UBND TP Hà Nội cùng các ban ngành, cơ quan có liên quan như Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội thành phố Hà Nội... để tìm hướng giải quyết hợp lý.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục