Sách của Hằng “Xanh”

Sách của Hằng “Xanh”

Tôi thường gọi Mai Thị Thúy Hằng là Hằng “Xanh”, bởi người phụ nữ trẻ này đã tạo ấn tượng đặc biệt và truyền cảm hứng cho rất nhiều người về niềm đam mê theo đuổi lối sống xanh, thực phẩm sạch và cách làm nông nghiệp bền vững.

Thúy Hằng tại một phiên chợ nông dân.

Bỏ phố về ruộng

Tốt nghiệp đại học Luật, Mai Thị Thúy Hằng từng thử sức mình trong nhiều lĩnh vực và cuối cùng cô trụ lại với vị trí giám đốc quản lý chất lượng của một công ty nước ngoài, lãnh lương bằng tiền đô. Vậy mà, một ngày cô tuyên bố nghỉ việc về quê làm ruộng. Hằng kể lại: “Trong một chuyến đi công tác từ thiện về miền Tây, nhìn thấy ruộng đồng xanh mướt, nhưng trên bờ la liệt vỏ chai thuốc, tôi đã nghĩ đến một dự án về nông nghiệp sạch”.

Với toàn bộ số tiền dành dụm được, Hằng về Mộc Hóa (Long An) xuống ruộng cùng nông dân làm nông và bước đầu thử nghiệm làm nông nghiệp sạch, trồng lúa huyết rồng kết hợp với thả vịt đồng để kiểm soát cỏ, sâu rầy, tận dụng nguồn phân bón… Vừa làm, vừa học, kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm, sau hai năm đầy gian nan, vất vả,, dự án của cô bị thất bại.

Trở về thành phố, Hằng vẫn không từ bỏ giấc mơ “Xanh”. Cô thành lập kênh bán hàng online mang tên Xanhshop, cặm cụi đi đến từng vườn, tìm mua và vận động nông dân trồng rau sạch, tổ chức cung ứng nông sản sạch, tạo phân khúc khách hàng có ý thức về an toàn thực phẩm, kiên trì từng bước phổ biến khái niệm về sản phẩm xanh tới người tiêu dùng. Sản phẩm của Xanhshop giờ đây đã trở thành điểm đến thân thiện của nhiều bà nội trợ, xuất hiện thường xuyên trên các bữa ăn gia đình. Ở đây còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút được sự quan tâm của cộng đồng như: Phiên chợ nông dân giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, phiên chợ đồ cũ gây quỹ ủng hộ từ thiện, hướng dẫn trồng rau sạch, tái chế đồ cũ…  

“Cuộc cách mạng một cọng rơm”

Những ngày gian nan đi làm nông nghiệp sạch ở Long An, đã cho Hằng nhiều bài học quý giá. Giữa những ngày đầy khó khăn ấy thì cô được một người bạn ở Ấn Độ gửi cho bản thảo cuốn sách: “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Fukuoka - một lão nông Nhật Bản, viết về mối quan hệ tương tác của con người với môi trường. “Cuốn sách này đã thay đổi hẳn tư duy của tôi về cách làm nông nghiệp bền vững. Đó là xu hướng thuận tự nhiên, mùa nào thức nấy, đa canh, xen canh, giảm thiểu và tiến tới không sử dụng hóa chất nông nghiệp: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa học, không biến đổi gen, không cách bảo quản”…

Cũng như nước ta, Nhật Bản là một nước nông nghiệp phát triển, nhưng khi nhận thấy ngành nông nghiệp quá bị phụ thuộc vào hóa chất, Fukuoka đã tìm một lối làm nông nghiệp bền vững, thuận theo tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất đai, nhưng vẫn đem lại năng suất cao. “… Ông đã đi qua một quá trình tự vấn khắc nghiệt để rồi nhận ra tất cả những phi lý trong sản xuất nông nghiệp, trong lối sống và tư duy của con người đối với tự nhiên. Cuốn sách đã trình bày hành trình cuộc đời của ông từ khi còn là một nhà nghiên cứu nông nghiệp tuyệt vọng, cho đến lúc trở thành một lão nông hạnh phúc… (Phương Huyên - dịch giả). Đọc sách, bạn sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật, trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và dùng không biết bao nhiêu thuốc men, hóa chất…

…Rất nhiều người đã gọi Hằng là người đi truyền cảm hứng. Không chỉ với người tiêu dùng, mà cô còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều đồng nghiệp. Đội ngũ nhân viên của Xanhshop đều là những người học về quản lý chất lượng, học về thực phẩm… Có bạn tốt nghiệp từ nước ngoài về cũng ra vườn, xuống ruộng cùng nông dân. Từ Xanhshop, nhiều bạn đã trưởng thành, ra riêng, tiếp tục hoạt động và tuyên truyền cho lối sống Xanh.

Việc làm sách của Hằng cũng xuất phát từ mục đích truyền cảm hứng Xanh cho cộng đồng. Hằng tự bỏ tiền túi ra mua bản quyền, rồi tập hợp bạn bè để làm sách từ dịch thuật, biên tập, họa sĩ và xuất bản đều là những người tâm huyết với bảo vệ môi trường, với lối sống xanh. Đến nay, cuốn sách đã phát hành được 6.000 cuốn vừa bán, vừa tặng và mới được tái bản. Hằng tâm sự: “Mình chỉ muốn chia  sẻ với mọi người về ý tưởng sống thuận với tự nhiên, với tư duy làm nông nghiệp bền vững, đặc biệt là những nhà hoạch định chính sách. Trong thời gian tới, tủ sách của mình sẽ tiếp tục với các đầu sách về nông nghiệp thuận tự nhiên”

Sản xuất nông nghiệp là bước tiến văn minh đều tiên của loài người, nhằm đáp ứng cho nhu cầu được đảm bảo sống sót. Tuy nhiên, cho đến nay hàng năm loài người đã lãng phí 1/3 lượng thức ăn có được. Và để có được từng đó thức ăn mà lãng phí, những người sản xuất lương thực thực phẩm đã không ngừng bón phân, diệt trừ cỏ và sâu bọ, vận chuyển thực phẩm từ lục địa này sang lục địa khác và bảo quản chúng bằng các hóa chất nhân tạo. Thế rồi sau đó chúng ta cuống quýt tìm cách chữa trị các căn bệnh do hóa chất gây ra. Con người đã tìm ra cách diệt vong chính mình theo cách đó.

Theo số liệu của Tổ chức Bảo vệ môi trường thế giới, trong số 85.000 chất hóa học đang được sử dụng, chỉ có 7% sản phẩm an toàn với sức khỏe con người.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục