Samsung Electronics Thái Nguyên dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2019

Sáng ngày 26-11, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019. Đây là năm thứ 13 liên tiếp bảng xếp hạng được công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Trong Top 10, dẫn đầu bảng xếp hạng là Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, tiếp đến là các cái tên như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp tư nhân duy nhất lọt trong Top 10.

Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp: chiếm hơn 98% tỷ trọng doanh thu năm 2019; nhóm ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu khiêm tốn, dưới 2%.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của toàn bộ khối doanh nghiệp là 14,55%. Trong đó có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, cao vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như ngành: ngân hàng – tài chính, vận tải – logistics, xây dựng – bất động sản.

Trong khuôn khổ công bố bảng xếp hạng, Vietnam Report đã thực hiện khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2019 nhằm tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức mà các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, cùng triển vọng kinh doanh trong giai đoạn tới.

Theo đó, 49,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn năm trước; 39,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh cơ bản ổn định; và 11,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh giảm đi.

Các rào cản chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp nhìn nhận là: chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn; thủ tục hành chính phức tạp; năng lực cạnh tranh, chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu; thiếu nguồn nhân lực có tay nghề; doanh nghiệp đánh giá sự bảo hộ thương mại nội địa cũng là rào cản lớn; thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính.

Những chiến lược ưu tiên được doanh nghiệp thực hiện trong năm 2019 là: doanh nghiệp lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên (96,8%); doanh nghiệp thực hiện tăng cường ưu thế cạnh tranh (58,1%); doanh nghiệp lựa chọn giảm thiểu chi phí (54,8%); tăng cường ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số (51,5%).

Cũng theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp thể hiện niềm tin về tình hình kinh doanh trong quý 1-2020 sẽ tốt hơn so với năm 2019, khi có 50% doanh nghiệp dự báo kết quả sản xuất kinh doanh đầu năm 2020 sẽ ở mức cơ bản ổn định, 44,1% cho rằng tình hình hoạt động sẽ tăng lên và chỉ có 5,9% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.

Tin cùng chuyên mục