
Hè về là dịp học sinh có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau một năm học miệt mài. Tuy vậy, tìm được một sân chơi miễn phí, an toàn gần khu dân cư khá hiếm...

Công viên Hòa Bình trở thành nơi tập kết rác.
Chơi trên vỉa hè, lòng đường
Cứ vào mỗi tối, khi người đi đường thưa dần, nhiều trẻ em độ tuổi 10 - 15 sống gần chung cư Hải Thượng Lãn Ông (gần cầu Chà Và, quận 5 TPHCM), thường ra chơi đá bóng, đá cầu, cầu lông... ngay trên đường. Hình ảnh các em vui chơi ở lòng đường đã trở nên quá quen thuộc với người dân khu vực này. Sân chơi trên đường phố càng nhộn nhịp hơn khi về khuya. Em Nguyễn Hoàng Tùng (ở phường 10, quận 5) nói: “Chỉ lúc nghỉ hè tụi em mới có thời gian tụ tập đá banh, nhưng luôn bị mấy chú công an đuổi chạy. Còn thuê sân cỏ nhân tạo tụi em không có tiền, lúc nào bị đuổi thì chạy thôi”.
Bạn Ngô Tiến Tài ngồi nghỉ mệt sau khi tập luyện ván trượt cùng nhóm bạn ở công viên Gia Định, chia sẻ: “Môn ván trượt chỉ chơi được tại công viên Gia Định. Tại các công viên khác, tụi em bị cấm chơi vì sợ nguy hiểm đến người dân tập thể dục”. Bạn Đặng Văn Thịnh chia sẻ: “Nhiều môn nghệ thuật đường phố giúp cho các bạn trẻ rèn luyện sức khỏe, sự quả cảm, tính quyết đoán... Khi ham thích các môn chơi lành mạnh này, các bạn thường không dính vào các tệ nạn, hay vùi đầu vào các trò chơi vi tính. Đáng tiếc là do không có sân chơi nên môn chơi nghệ thuật này vẫn chưa được nhiều bạn trẻ biết đến”.
Công viên của ai?
Vài năm gần đây, một số khu đất công cộng được mở rộng dọc kênh Nhiêu Lộc, đường Võ Văn Kiệt, Khu đô thị Thủ Thiêm…, đã trở thành nơi hóng mát thư giãn, tập thể dục, nô đùa, đáp ứng được nhu cầu giải trí lành mạnh của đa số dân cư. Tuy nhiên, một số công viên đã có từ lâu nay lại lâm vào tình trạng bị “xẻ thịt” từng mảng dành cho các khu kinh doanh, dịch vụ nhà hàng, cà phê…, khiến khu vui chơi công cộng bị co hẹp lại. Chưa kể chuyện một số công viên trở thành nơi tụ tập của các loại tệ nạn xã hội, khiến người dân ngại đến đó vui chơi.
Công viên Văn Lang (quận 5) giờ đã xuống cấp, trở thành nơi tụ tập những đối tượng tệ nạn xã hội như gái mại dâm, con nghiện ma túy. Từ nửa năm nay, tình trạng gái mại dâm đứng mồi chài khách hàng lại xuất hiện công khai. Bên dưới những lùm cây dễ tìm thấy những kim tiêm vẫn còn dính máu nằm vương vãi khắp nơi. Nhà hóng mát trong công viên trở thành quán nhậu của một số tay anh chị bảo kê cho gái mại dâm. Cũng tại quận 5, công viên Hòa Bình biến thành điểm tập kết rác của Công ty Dịch vụ công ích quận 5. Nhiều người buôn bán phế liệu thường xuyên tá túc ở các chòi trong công viên để thu lượm, phân loại ve chai. Khắp công viên đầy rẫy những túi rác, bọc ni lông, thùng xốp, chai nhựa... phơi phóng. Mỗi chiều, công viên trở thành nơi gái mại dâm đứng đón khách.
Mô hình xã hội hóa sân chơi
Nhiều năm qua, sân chơi cho thanh thiếu niên luôn là vấn đề được dư luận quan tâm mỗi khi hè về. Một trong những khu vui chơi theo mô hình xã hội hóa là Thiên đường giải trí Thỏ Trắng (tại công viên Lê Thị Riêng, quận 10) được xây dựng với mô hình vui chơi thu phí và miễn phí đan xen nhau, với nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí như thư viện sách, khu vui chơi sinh hoạt, trò chơi miễn phí, sân sinh hoạt đoàn hội... Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết: “Khu vui chơi xã hội hóa này đã giúp công viên Lê Thị Riêng thay đổi rất nhiều, từ cải thiện mỹ quan, loại bỏ được tệ nạn xã hội, nâng cao môi trường sống và an ninh trật tự. Khu vui chơi thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, văn nghệ, sinh hoạt ngoại khóa và kết hợp các trò chơi vận động nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Quận cũng đã đề nghị khu vui chơi tăng thêm mảng xanh và đang kiến nghị TP hỗ trợ các chính sách ưu đãi khu vui chơi xã hội hóa để phát triển thêm mô hình hoạt động”.
Các điểm sáng như khu vui chơi xã hội hóa tại công viên Lê Thị Riêng còn khá ít trên địa bàn TPHCM, trong khi nhu cầu sân chơi công cộng cho lớp trẻ đang bị thiếu hụt. Phát triển sân chơi công cộng, lành mạnh là giúp cho giới trẻ tránh xa được các tệ nạn đua xe, ma túy, game online mang tính bạo lực… Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã - phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi. Liệu đây có là bài toán khó cho TPHCM?
THANH HẢI