Sàn giao dịch đa cấp: Người bị lừa tiếp tục đi lừa

Ngày 23-6, Công an TP Hải Phòng cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 2 đối tượng là Nguyễn Thế Dương (25 tuổi, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group và Nguyễn Văn Quyền (38 tuổi, ở khu đô thị Vinhome Ocean Park, Hà Nội) để điều tra, xử lý về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Thông tin dạy cách kiếm tiền ảo tràn lan trên mạng. Ảnh TRUNG NGUYÊN
Thông tin dạy cách kiếm tiền ảo tràn lan trên mạng. Ảnh TRUNG NGUYÊN

Hiệu ứng “chim mồi”

Trước đó vào đầu tháng 4, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hải Phòng phát hiện sàn Hitoption giao dịch ngoại hối trên không gian mạng với rất nhiều người ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hải Phòng, tham gia đầu tư. Số tiền của những người đầu tư vào sàn Hitoption rất lớn và có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trên cơ sở đó, Công an TP Hải Phòng đã lập chuyên án phối hợp với lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội đồng loạt triệu tập các đối tượng tham gia vào tổ chức, hoạt động của sàn Hitoption. Qua công tác đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ tháng 6-2020, Nguyễn Thế Dương nhờ Nguyễn Văn Quyền lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net. Sàn giao dịch này sử dụng chế độ BOT (chơi tự động) để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh làm cho khách hàng thắng hoặc thua theo ý muốn của người điều hành.

Phương thức tham gia là nhà đầu tư đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây. Nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, còn dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền (tương tự như trò chơi tài xỉu). Nhà đầu tư có thể tự chơi hoặc ủy thác cho robot của sàn cung cấp tự động chơi với lãi suất được các đối tượng cam kết từ 6%-15%/tháng. Trong vòng 100 ngày, người chơi có thể rút gốc và lãi. Khi người chơi giới thiệu người chơi mới tham gia thì được hưởng 1,5% tiền hoa hồng.

Không chỉ có Hitoption.net, trên mạng còn liên tục truyền nhau thông tin về các sàn giao dịch cam kết đầu tư lãi suất cao, từ 15%-30%/tháng như FE., VA., GO.,... Điều đáng nói, mô hình kinh doanh, cách thức trả thưởng của các sàn mới khá giống với những sàn từng bị người dân tố lừa đảo (Cooolcat, Forex…).

Đừng bị cám dỗ bởi lợi nhuận

Trước tình hình trên, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa phát đi cảnh báo về “kịch bản” lừa đảo của các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép.

Phân tích từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, điểm cốt lõi của “kịch bản” lừa đảo gồm những lời quảng cáo hấp dẫn về dự án, sàn kinh doanh… Ví dụ, gợi thông tin tò mò cho người tiếp nhận như: “thu nhập thụ động mùa Covid-19”, “giải pháp tài chính cho 100-200USD/ngày”, “không thể thua lỗ”... Thành công của các đoạn giới thiệu này đều đánh trúng nhu cầu của người nghe, người đọc; chưa kể còn cho phép người chơi tham gia thử dễ dàng với số vốn nhỏ, có khi miễn phí. Nhưng nhiều người dễ dàng chuyển từ thử sang thật, do bị hấp dẫn bởi “hiệu ứng chim mồi”.

Các nhân vật “chim mồi” đều thể hiện rằng, nhờ tham gia kinh doanh nên từ nghèo khó bỗng trở nên giàu có, mua sắm được nhà lầu, xe hơi, đồ hiệu đắt tiền… Sau đó, cùng với các thủ thuật của người dẫn dắt, những nạn nhân sẽ bị cuốn theo tâm lý đám đông đang chìm trong Fomo (hội chứng sợ bị bỏ lỡ trong đầu tư) và họ sẽ không thể tỉnh táo để quyết định dừng lại. Đây có thể là mấu chốt của việc những nạn nhân bắt đầu bỏ tiền ra, thậm chí số tiền rất lớn, để “mua lấy cơ hội” mà không phải làm gì.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định, không hẳn những người bị lừa đảo đều thiếu hiểu biết, bởi các thông tin bây giờ tràn ngập mạng internet. Vấn đề đáng báo động chính là sự suy thoái về đạo đức, bất chấp tất cả để kiếm tiền, sẵn sàng đẩy rủi ro cho người chơi sau, dù bản thân biết rằng việc tham gia vào các sàn giao dịch không được cấp phép là vi phạm pháp luật.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hậu quả bị lừa đảo, mất tiền chính là “cái kết được dự báo trước”. Bởi vì, bằng cách này hay cách khác, thực chất của những màn kịch trên vẫn là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người trước, đến khi không có người nộp tiền tiếp theo thì hệ thống người tham gia vỡ trận. Hậu quả, phần lớn những người tham gia không thể thu hồi được “khoản đầu tư” ban đầu, vì không hợp đồng; nếu có hợp đồng cũng chỉ tượng trưng, không có nội dung rõ ràng; không hóa đơn; không chứng từ nhận tiền, nạp tiền vào “hệ thống”…

Thậm chí, những nạn nhân này cũng khó khiếu nại, khiếu kiện tới các cơ quan chức năng vì không có bằng chứng liên quan đến các giao dịch nộp tiền. Bản thân bị hại cũng đi dụ dỗ người khác tham gia nên có thể coi là người tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

Tại Hải Phòng, cơ quan công an làm rõ có hơn 30 người đã đầu tư tổng cộng số tiền 16,1 tỷ đồng trên sàn Hitoption.net theo cách mua chế độ BOT với lợi nhuận cam kết là 6%-15%/tháng và trong vòng 100 ngày, người chơi sẽ được rút vốn và lãi. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi người đầu tư yêu cầu rút tiền thì Dương không cho rút và điều chỉnh chế độ BOT làm cho những người đầu tư liên tục bị lỗ, dẫn đến hết tiền trong tài khoản. Trên cả sàn Hitoption.net, có 969 người tham gia, với tổng số dư của người đầu tư tại thời điểm kiểm tra là hơn 629.000 USD, tương đương 15 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện các đối tượng này đang quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, các website… có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; đồng thời xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục