Sau hơn 5 tháng đưa vào hoạt động, sàn giao dịch vận tải VinaTrucking mỗi ngày chỉ có 5 - 7 mã hàng hóa đăng ký giao dịch. Trong khi đó, mã xe tìm hàng lên đến 200 đầu xe. Xe thì nhiều nhưng hàng lại khan hiếm. Vì sao doanh nghiệp (DN) không mặn mà với loại hình vận tải này?
Cung - cầu lệch pha
Liên tục trong 3 tuần qua, sàn giao dịch vận tải VinaTrucking chỉ có từ 5 - 7 mã lô hàng đăng ký tìm xe vận chuyển. Cụ thể, DN có lô hàng mang mã số CH-227 từ Hà Nội đi Khánh Hòa vào ngày 20-5; mã CH-220 từ Hà Nội đi Hà Nam ngày 23-5; mã số CH-23 đi từ Hải Phòng về Hà Nội vào ngày 24-5, trọng tải 800kg; mã CH-229 tại Hà Nội ngày 26-5, trọng tải 155kg; riêng chỉ có mã CH-176 từ Đồng Nai đi TPHCM là vào ngày 3-1-2017. Tất cả 5 mã lô hàng trên được chủ hàng đưa thông tin lên sàn giao dịch vận tải VinaTrucking tìm đối tác vận chuyển. Giá vận chuyển cho 5 mã hàng trên đều đề xuất thương lượng. Trong khi đó, có đến gần 200 mã xe đăng ký tham gia nhưng chưa có mã xe nào giao dịch thành công. Anh Nguyễn Lữ Phú, chủ mã xe tham gia giao dịch trên sàn, cho biết hơn 3 tháng tham gia đấu giá trên 10 mã lô hàng với giá thấp hơn giá thị trường 30%, thậm chí 40%, nhưng vẫn không trúng thầu. Nhiều mã hàng sau khi đàm phán hai bên thống nhất giá cả, nhưng sau đó chủ hàng rút lui. Nhiều chủ xe tham gia giao dịch cho rằng, những mã hàng đưa lên sàn nhằm… dọ giá là chính.
Để phát huy hiệu quả sàn giao dịch vận tải cần kết nối với doanh nghiệp tại các KCX, KCN, các cảng Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo Tổng Giám đốc Sàn giao dịch vận tải VinaTrucking Tạ Công Thuận, sau hơn 5 tháng hoạt động, đã có 428 thành viên tham gia, trong đó có 327 thành viên là chủ xe, 101 thành viên là chủ hàng và trên 60 thành viên vãng lai. Đã có 103 chuyến hàng giao dịch thành công. “Sàn VinaTrucking là kênh thông tin để các chủ hàng - chủ xe, DN vận tải đăng tải thông tin về nhu cầu vận chuyển hàng hóa để tìm kiếm đối tác vận chuyển phù hợp. Sàn đã quy tụ được nhiều chủ xe - chủ hàng quan tâm và tham gia. Một số chủ hàng tìm được phương tiện vận tải chiều rỗng và chắc chắn giá cước vận chuyển rẻ hơn từ 30% - 40% so với phương thức vận chuyển truyền thống trước đây. Thời gian qua, VinaTrucking vừa làm đầu mối tìm DN vận tải, vừa kết nối tìm nguồn hàng nhưng chúng tôi chưa thu bất kỳ khoản phí nào”, ông Thuận cho biết thêm.
Khó tìm nguồn hàng
Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng sàn giao dịch vận tải hoạt động, thực tế cho thấy mất cân đối giữa các thành viên tham gia, khi số lượng xe tìm hàng rất lớn, còn danh sách hàng cần vận chuyển thì rất ít. Qua số liệu trên sàn có thể thấy, trong phần danh sách “xe tìm hàng” luôn có hàng trăm đơn vị vận tải khắp cả nước đăng ký làm thành viên, ngược lại, số lượng “hàng cần vận chuyển” chỉ lèo tèo vài mã hàng. Sự mất cân đối này khiến nhiều nhà xe chưa thực sự thấy được hiệu quả khi giao dịch trên sàn. Theo ông Tạ Công Thuận, một trong những nguyên nhân hàng còn khan hiếm là do đây là kênh thông tin mới nên nhiều chủ hàng, chủ xe còn chưa tin tưởng những đối tác trên sàn, dẫn đến lượng giao dịch còn hạn chế. Thông qua sàn, chủ xe - chủ hàng đăng thông tin lên với mục đích chính để khảo sát giá vận chuyển là chính. Để phát huy tối đa hiệu quả của sàn giao dịch vận tải, theo ông Thuận, Nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ như tuyên truyền, kinh phí hoạt động sàn... Về phía các doanh nghiệp vận tải, thời gian qua, đa số các giao dịch giữa chủ hàng với chủ xe được thực hiện theo phương thức cũ, gắn kết một cách ổn định và đều có những lợi ích nhất định với nhau. Chính vì vậy, việc thay đổi phương thức, đưa các giao dịch này lên sàn là điều không dễ, cần có thời gian và sự hỗ trợ của công cụ quản lý để các DN làm quen hình thức mới, tạo động lực trong thời gian đầu.
Để phát huy hiệu quả và giải quyết sự mất cân đối của sàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM Thái Văn Chung cho rằng, đơn vị quản lý sàn cần có bộ phận kết nối, chủ động đi tìm nguồn hàng để đưa lên sàn giao dịch. Đặc biệt, cần phải tiếp cận tuyên truyền, nêu rõ những lợi ích khi tham gia giao dịch trên sàn để thu hút các đơn vị hàng hóa tham gia, đặc biệt DN tại các cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất.
VinaTrucking do Công ty TNHH Thương mại điện tử Vinh Hiển phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), Sở Khoa học và Đầu tư TPHCM thành lập. Sàn giao dịch VinaTrucking bắt đầu hoạt động vào ngày 3-12-2015.
Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của sàn giao dịch vận tải; hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện để các DN (kể cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài) có nhu cầu vận tải thực hiện các giao dịch vận chuyển hàng hóa thông qua VinaTrucking. Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính và các cơ quan thuế tăng cường quản lý công tác quản lý giá, quyết toán tài chính để kiểm soát, đảm bảo chi phí hợp lý về vận tải theo hướng tiết kiệm, công khai minh bạch về giá cước vận tải và hình thành một mặt bằng giá cước công khai ở địa phương theo quy định và phù hợp theo từng thời kỳ.
QUỐC HÙNG