
Thích xài hàng “độc”, hàng “khủng” nhưng không có nhiều thời gian tìm hiểu, nhiều bạn trẻ bây giờ thường tìm mua hàng qua mạng. Với những lời giới thiệu hấp dẫn, nào giá rẻ, nào phục vụ tận nhà, nên hình thức bán hàng qua mạng hiện đang thu hút nhiều người. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều “công ty” rao bán hàng trên mạng lại không có địa chỉ hoặc có nhưng chỉ là nhà riêng. Không ít khách hàng nhận hàng rồi mới tá hỏa vì hàng bị lỗi. Nhiều chuyên gia còn bảo thực chất đó là hàng... tái chế.
- Ham rẻ

Những máy laptop (vi tính xách tay) thường được rao bán trên mạng như: dòng khuyến mãi hấp dẫn, cấu hình mạnh, giá rẻ nhất, mẫu mã đẹp, 100% chính hãng… và ghi luôn tên công ty, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, khách phải chuyển khoản qua ngân hàng trước khi nhận hàng tận nhà.
Đến khi nhận hàng xong, xài vài hôm bị trục trặc mới biết đó là hàng “second hand” (xài rồi) hoặc hàng tái chế (hàng đã qua sử dụng hoặc bị lỗi được sửa lại, thay lại một vài linh kiện, tút lại, làm như mới - PV). Nhiều khách hàng thiếu am tường, khi đọc thấy thông tin của người bán đăng trên mạng “hàng xách tay từ nước ngoài về, không phải đóng thuế nên giá rẻ” đã vội tin ngay.
Sau khi lang thang tìm kiếm trên mạng, chúng tôi chọn được mẫu máy của Công ty Hanoilab. Thay vì nhận hàng tận nhà, chúng tôi đề nghị đến tận nơi để chọn lựa cho thỏa thích. Tìm mãi mới đến được “trụ sở” công ty. Hóa ra nó là nhà riêng ở một chung cư cũ trong con hẻm sâu, không treo bảng hiệu hay tên công ty gì cả. Ở đây, nhân viên viên bán hàng mở trang web của công ty lên và giới thiệu những mẫu máy cho khách xem. Chúng tôi đề nghị xem hàng trực tiếp thì được trả lời: “Chọn đi, khi nào mua sẽ được xem!”.
Ở những trang web bán hàng này, giá bán thường rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng bán hàng chính hãng. Chẳng hạn, giá thị trường của laptop Dell Studio XPS 13 (1340)- P8700 khoảng 20 triệu đồng, nhưng Công ty CP Xuất nhập khẩu Minh Anh chào trên mạng chỉ hơn 2 triệu đồng. Công ty TNHH TM DV Tam Gia bán chiếc Dell Studio XPS 1645- i7-720QM chỉ 1.600 USD, rẻ hơn giá thị trường khoảng 2 triệu đồng. Giá trên mạng của chiếc Dell Studio XPS 1645 chưa đầy 27,5 triệu đồng, trong khi giá chính hãng đến 32,6 triệu đồng. Thực tế, trên mạng còn rất nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, nhưng đa phần là hàng nhập không rõ nguồn gốc.
- Gồng mình xài hàng dỏm
Sau khi mua một chiếc laptop HP hơn 1.000 USD về xài vài ngày, máy trở chứng, cứ khoảng một giờ là máy tự khởi động lại, anh Nguyễn Hồng Minh, ở quận 5, phải đem đi sửa nhưng vẫn không “trị” được. Bực mình, anh lên mạng rao bán tiếp. Dù rao bán máy “second hand” nhưng anh giấu nhẹm “bệnh” của máy và anh đã “lừa” được một khách hàng khác, nhưng anh vẫn lỗ gần 500 USD. Anh Nguyễn Ngọc Linh, ở quận Tân Bình, cũng mua một laptop trên mạng với giá gần 4 triệu đồng, người bán bảo giá rẻ vì đây là hàng xách tay theo đơn đặt hàng của một công ty nhưng công ty không lấy hết nên dư vài chiếc, bán lẻ theo giá sỉ cho khách.
Chưa hết mừng vì của hời, anh không ngờ chỉ sau 2 ngày, máy bắt đầu chai pin, xài chưa đầy 1 giờ đã hết pin, dù sạc đến 8 giờ! Hóa ra, cục pin đã bị “luộc”. Vì thế, anh Linh vội đẩy của nợ này lên mạng. Cứ vậy, hàng giá rẻ từ tay người này qua tay người khác. Những người ham rẻ thay nhau gánh chịu hàng dỏm của không ít cửa hàng nhập máy cũ về, sau đó tái chế rồi đem bán bằng với giá mới.
NAM NGUYÊN