Sân khấu không có khán giả

Sân khấu không có khán giả
Sân khấu không có khán giả ảnh 1

Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein

Hôm nay 19-10, phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein khai mạc. Bất chấp việc Mỹ và báo chí phương Tây chú tâm rất nhiều vào phiên tòa này, người dân Iraq tỏ ra lạnh nhạt. Tờ The Guardian của Anh ra ngày 18-10 đã có bài phản ánh về thái độ này của người dân Iraq.

Fawzi Mohammad, 48 tuổi, giám đốc nhà máy ximăng ở Falluja, nói: “Người dân ở đây không nghĩ đây là phiên tòa công bằng. Nhưng họ cũng chẳng làm gì vì họ không quan tâm đến ông ấy nữa. ông ấy giờ đây trở thành quá khứ của chúng tôi, giống như một đồng tiền cũ, không có giá trị”. Ngay cả những người Shiite và Kurd, những người từng là nạn nhân của chính phủ người Sunny do Hussein đứng đầu cũng có nhiều thứ khác để lo hơn: điện nước không có, an ninh bất ổn, thêm nữa là đất nước bị chiếm đóng, chính phủ chưa có quyền lực thực sự... Guardian cho rằng phiên tòa xét xử Saddam Hussein giống như một sân khấu, nơi có đủ diễn viên nhưng khán giả thì không.

Hình ảnh của cựu Tổng thống Saddam Hussein quả thật đã không còn hiện diện nhiều trong tâm trí người dân Iraq nữa khi mà chân dung và các tờ giấy bạc có hình ông đã được thay thế từ lâu. Những băng video về các bài diễn văn của ông cũng khó tìm hơn là những băng video có khẩu hiệu tuyên truyền của các nhóm nổi dậy.

Tờ The New York Times của Mỹ thì cho rằng, phiên tòa xét xử ông Saddam Hussein đã được chuẩn bị một cách vội vã. Hồ sơ của các cơ quan Chính phủ Iraq thời kỳ ông cầm quyền liên quan đến các quyết định của ông đã lên đến 40 tấn. Đã có nhiều lời cáo buộc từ các nhóm nhân quyền phương Tây cho rằng ông đã gây ra cái chết của 300.000 người Shiite và Kurd. Có phần chắc là phiên tòa sẽ phải tốn rất nhiều thời gian do liên quan đến nhiều người và do sức khỏe của quan tòa lẫn bị cáo, tương tự như phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Melosevic đến nay đã kéo dài 4 năm.

Một vấn đề khác mà báo The New York Times chỉ ra đó là sự can thiệp quá sâu của Mỹ vào tiến trình xét xử. Không giống như phiên tòa xử cựu Tổng thống Nam Tư Milosevic do tòa án quốc tế La Haye xét xử, tòa án Iraq phải trông cậy quá nhiều vào Mỹ. Mỹ tổ chức, tài trợ và hướng dẫn tòa án Iraq, trong đó chi 138 triệu USD để sửa trụ sở của đảng Baath cũ tại Baghdad thành phòng xử án; đưa nhóm 50 người Mỹ, Anh và Australia gồm luật sư, các nhà điều tra, chuyên gia pháp y... tới Iraq. The New York Times đặt vấn đề: Ảnh hưởng của Mỹ đằng sau phiên tòa sẽ mang tính quyết định. 

HUY QUỐC
(
Theo Guardian, The New York Times)
 

Tin cùng chuyên mục