Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia

Ngày 26-11, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Phát triển địa phương 2022 với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương” tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Diễn đàn Phát triển địa phương 2022 quy tụ đại diện lãnh đạo từ hơn 50 tỉnh, thành, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận các vấn đề, tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì diễn đàn.

Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia ảnh 1 Quang cảnh Diễn đàn Phát triển địa phương 2022
Ngành công nghiệp văn hóa trở thành tâm điểm của ngành kinh tế

Sự kiện là diễn đàn thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương. Hợp tác phát triển liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia ảnh 2 Một show diễn thực cảnh ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến với các quốc gia, địa phương thông qua du lịch như nền công nghiệp điện ảnh. Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hoá cũng đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương. Đặc biệt, tham gia vào việc tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng, bài học của thế giới cũng như ở Việt Nam đã cho thấy, các ngành công nghiệp văn hoá đang thực sự trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Các địa phương nếu phát huy được vai trò của các ngành công nghiệp văn hoá sẽ góp phần đa dạng hoá cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

“Lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại địa phương. Người dân địa phương là người tạo ra, kế thừa và phát huy vốn văn hoá của địa phương mình. Họ sẽ thấu hiểu hơn ai hết những thế mạnh mang tính bản sắc của địa phương. Do vậy, việc nâng cao nhận thức, mở rộng sự hiểu biết của cộng đồng địa phương về cách thức tham gia vào các ngành công nghiệp văn hoá là hết sức cần thiết”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại diễn đàn
Bằng việc nhận thức rõ tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hoá trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cũng sẽ thấy, đầu tư vào lĩnh vực văn hoá chính là đầu tư phát triển. Đây không phải là lĩnh vực chỉ "tiêu tiền", mà là lĩnh vực có thể chưa mang lại hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn song lại mang về nhiều tiền và nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương trong dài hạn.  

“Cần dựa vào cả nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực của xã hội, trong đó, nguồn lực đầu tư từ thị trường là quan trọng nhất, để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Phân định rõ những lĩnh vực văn hóa cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và những lĩnh vực có thể xã hội hoá. Nhất là các lĩnh vực có thể huy động nguồn lực đầu tư trên thị trường hoặc các lĩnh vực có thể thực hiện theo mô hình hợp tác công – tư”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục