Sản phẩm từ các trại sáng tác ít được quảng bá

Theo đánh giá của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, 6 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực VHNT TP có nhiều hoạt động sôi nổi mà ấn tượng nhất là các chương trình VHNT ủng hộ các chiến sĩ và ngư dân đang bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo đánh giá của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, 6 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực VHNT TP có nhiều hoạt động sôi nổi mà ấn tượng nhất là các chương trình VHNT ủng hộ các chiến sĩ và ngư dân đang bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chương trình “Văn nghệ sĩ hướng về biển đảo quê hương” được tổ chức tại Nhà hát TPHCM vào đầu tháng 6 vừa qua được coi là một chương trình đặc biệt vì đây là lần hiếm hoi, đơn vị này đứng ra tập hợp các hội thành viên để thực hiện. Liên hiệp đã phối hợp cùng Đài Truyền hình TP, tập hợp các hội thành viên mà nòng cốt là Hội Sân khấu để tổ chức một chương trình nghệ thuật đa dạng về các loại hình biểu diễn như sân khấu hóa, trình chiếu video clip âm nhạc, trình bày các ca khúc, biểu diễn các trích đoạn cải lương lịch sử. Chương trình đã quy tụ được số lượng nghệ sĩ kỷ lục với hơn 200 người là thành viên của các hội.

Về phần các hội chuyên ngành, biển đảo cũng là đề tài được các đơn vị chú trọng nhất. Hội Âm nhạc là đơn vị có nhiều hoạt động hướng về biển đảo nhất như đưa nghệ sĩ trẻ đi biểu diễn chương trình “TPHCM với biển đảo quê hương” phục vụ khán giả Tây Nguyên. Sau đó, hội cùng với Bộ đội Biên phòng TP tổ chức chuyến thực tế sáng tác với chủ đề “Chiến sĩ biên phòng với biển đảo quê hương”. Không những thế, hội còn chủ động phối hợp với kênh truyền hình VTV9 thực hiện chương trình trực tiếp “Tổ quốc trên biển Đông”.

Hội Điện ảnh TP tổ chức các buổi chiếu phim truyện, phim tài liệu… về đề tài biển đảo. Vào ngày 24-7, tại số 81 Trần Quốc Thảo, hội sẽ trình chiếu 2 bộ phim gồm Biển của người Việt của đạo diễn Đào Thanh Tùng với các bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa suốt hơn 500 năm qua và bộ phim Những cột mốc người của đạo diễn Minh Chuyên tái hiện quá trình sở hữu của Việt Nam với Hoàng Sa từ thời Nguyễn đến nay, phim đoạt giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP, những buổi chiếu phim như trên sẽ được tổ chức thường xuyên để phục vụ khán giả. Riêng Hội Nhiếp ảnh TP đến với biển đảo bằng các cuộc triển lãm ảnh mà nổi bật là triển lãm “Biển đảo quê hương qua ống kính nhiếp ảnh”.

Bên cạnh việc tập trung sáng tác chủ đề biển đảo, từ đầu năm 2014 đến nay, theo ông Võ Đăng Tín, Tổng thư ký Liên hiệp, nổi bật vẫn là các trại sáng tác. Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục trại sáng tác, các chuyến đi thực tế được tổ chức, từ quy mô liên hiệp đến các hội thành viên, từ nguồn kinh phí đầu tư của TP đến việc xã hội hóa… Tuy nhiên, vẫn còn quá ít các tác phẩm từ các trại sáng tác, chuyến đi thực tế được khán giả, bạn đọc biết đến. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo ông Tín thì một trong các nguyên nhân chính là công tác quảng bá giới thiệu còn quá kém nên ít người biết đến các tác phẩm này.

Việc quảng bá kém không chỉ của các tác phẩm cấp hội, liên hiệp, ngay cả các tác phẩm đoạt Giải thưởng VHNT TPHCM lần thứ 1 được trao giải từ cuối 2012 mà cho đến nay vẫn chưa được quảng bá, biểu diễn. Ông Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp cho biết: “Do đặc thù sáng tác VHNT, một số lĩnh vực như văn học, nhiếp ảnh có thể nhanh chóng xuất bản sách, triển lãm ảnh nhưng các lĩnh vực khác như sân khấu (kịch, cải lương), giao hưởng… đòi hỏi nhiều kinh phí cho dàn dựng tổ chức nên đến nay vẫn chưa thực hiện được”. Chính vì thế một trong những nhiệm vụ chính sắp tới của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM là sẽ nỗ lực thông qua nhiều biện pháp để tiến hành tổ chức quảng bá rộng rãi những tác phẩm đoạt giải đến với công chúng.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục