San sẻ tình người, gượng dậy sau lũ dữ

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Cơn lũ dữ tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… đã làm 36 nạn nhân thiệt mạng và mất tích. 
Bộ đội giúp người dân khắc phục mưa lũ Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Bộ đội giúp người dân khắc phục mưa lũ Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Đến chiều 5-8 mới tìm được thi thể của 18 người, vẫn còn 18 người chưa tìm thấy. Tổng mức thiệt hại lên tới hơn 718 tỷ đồng. 
Nỗi lo sau mưa lũ
Tại điểm nóng Mù Cang Chải, trong ngày 5-8 các lực lượng chức năng của tỉnh Yên Bái và Sư đoàn 316 vẫn khẩn trương vừa tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích do lũ quét, vừa cùng với nhân dân tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại trên địa bàn. Nơi có nhiều người dân thiệt mạng và mất tích là xã Kim Nọi (ở đầu nguồn suối Nậm Kim) và thị trấn Mù Cang Chải (nằm ở cuối nguồn, bị lũ và đá dội tan hoang). Đến chiều 5-8 mới chỉ tìm được thi thể của 4 nạn nhân, vẫn còn 10 nạn nhân chưa tìm được. Vì vậy, một mặt, lực lượng cứu hộ tìm kiếm tiếp tục khoan phá đá ở khu vực nhà cửa bị sập, đồng thời cũng chia nhiều mũi, cùng người dân tổ chức tìm kiếm các nạn nhân tại khu vực lòng hồ thủy điện Khao Mang (cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 3km) vì có thể xác các nạn nhân sẽ trôi dạt ra tận đây.

Theo ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, vấn đề nan giải sau lũ hiện nay là cuộc sống của nhiều người dân ở Mù Cang Chải gặp khó khăn vì nhà cửa, tài sản của bà con đã bị chôn vùi trong đống đổ nát. Không chỉ heo, gà, thóc lúa bị chôn vùi mà nhiều tài sản có giá trị để mưu sinh như chiếc xe máy cũng bị bẹp nát… Trong quá trình dọn dẹp, nhiều gia đình hy vọng sẽ tìm lại được tài sản của mình trong đống đổ nát, nhưng tất cả đều bị biến dạng, không thể sử dụng được nữa. Anh Mù A Quả ở tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải xót xa cho biết khi lũ về, gia đình anh chỉ kịp tháo chạy, không đem theo được bất cứ tài sản gì. Cuộc sống cả gia đình 5 người trông chờ vào chiếc xe máy nhưng nó đã bị đá nghiền nát. 

Lo lắng nhất hiện nay là 6 công trình công cộng bị lũ tàn phá, trong đó có các trường học sắp bước vào năm học mới. Theo thầy Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS liên cấp THPT Mù Cang Chải, hiện toàn bộ phòng học ở tầng 1 của trường đã bị lũ ống đục thủng, để lại những mảng vỡ lớn rất nguy hiểm. Toàn bộ khu bán trú của học sinh gồm bếp ăn, khu vệ sinh, cổng trường, tường rào, công trình nước sạch cũng bị sập đổ. Tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Lúc xảy ra lũ không có học sinh vì đang nghỉ hè, chỉ có 9 gia đình giáo viên ở khu tập thể nhưng đã kịp sơ tán nên không bị nạn. Chiều 5-8, khoảng 100 người gồm dân quân, đoàn thanh niên và người dân… đã tình nguyện tập trung giúp trường dọn dẹp bùn đất. Tuy nhiên, nhiều khả năng trường chưa thể bước vào năm học mới vào ngày 15-8 sắp tới. 

Hỗ trợ đồng bào hoạn nạn
Để chung tay giúp đồng bào khắc phục hậu quả cơn lũ hiện nay, tại tỉnh Yên Bái và Sơn La, nhiều đoàn cứu trợ ở Trung ương và các địa phương trong cả nước đã đem quà, tiền hỗ trợ và thể hiện tấm lòng chia sẻ, động viên những gia đình gặp hoạn nạn. Ngày 5-8, tại tỉnh Yên Bái, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương đã trao 300 triệu đồng và UBND tỉnh Lào Cai cũng trao 500 triệu đồng ủng hộ nhân dân huyện Mù Cang Chải. Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc, chia sẻ trước những mất mát, đau thương mà nhân dân huyện Mù Cang Chải đang phải hứng chịu.

Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đang kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Ngay sau lễ phát động, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã ủng hộ đồng bào Mù Cang Chải 200 triệu đồng. UBND tỉnh Yên Bái cũng đã trích 320 triệu đồng hỗ trợ thân nhân người chết và mất tích, gần 2.000kg gạo để hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi. UBND tỉnh Yên Bái cho biết đến thời điểm này, tỉnh đã bố trí chỗ ở cho 100% hộ bị mất nhà cửa, kịp thời chữa trị cho những người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, mất tích và các gia đình bị lũ cuốn trôi, nhà cửa sập đổ hoàn toàn.

Tại tỉnh Sơn La, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng đã quyết định ủng hộ 3 tỷ đồng để xây lại trạm y tế xã Nậm Păm, huyện Mường La và trao 150 triệu đồng cho các gia đình bị mất nhà cửa. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã hỗ trợ đồng bào Mường La - Sơn La 100 triệu đồng. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng hỗ trợ người dân Mường La 300 triệu đồng. 

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu số tiền và hàng trị giá 1 tỷ 50 triệu đồng cho 3 tỉnh: Yên Bái, Sơn La và Lai Châu. Trong đó, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng/người; hỗ trợ 224 gia đình có nhà bị sập trôi 3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 280 tấm bạt nhựa dựng lều ở tạm thời cho những người bị mất nhà cửa, 150 bộ dụng cụ sửa nhà và 280 thùng hàng đồ dùng gia đình.
Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường thị sát tình hình và hỗ trợ người dân vùng lũ
Chiều 5-8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến khảo sát đánh giá tình hình thiên tai cũng như hỗ trợ nhân dân vùng lũ Yên Bái. 
Gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại do lũ ống vừa qua tại Mù Cang Chải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao cho tỉnh Yên Bái 600 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường để giúp tỉnh khắc phục hậu quả sau lũ ống; trao 200 triệu đồng từ nguồn quyên góp ủng hộ của cán bộ, viên chức, người lao động Bộ Tài nguyên và Môi trường; trao 200 bộ giường tầng cho Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải. 
 Chiều cùng ngày, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc dẫn đầu đã khảo sát đánh giá tình hình hỗ trợ nhân dân vùng lũ tỉnh Sơn La.
ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục