Sáng nay, tại Festival Huế 2008: Lần đầu tiên phục dựng lễ tế Đàn Xã Tắc

Sáng nay, tại Festival Huế 2008: Lần đầu tiên phục dựng lễ tế Đàn Xã Tắc

Sáng nay, 10-6, lễ tế Đàn Xã Tắc - lễ hội cuối cùng của 9 lễ chính tại Festival Huế 2008 - đã diễn ra. Đây cũng là một nghi lễ thiêng liêng của chốn cung đình xưa lần đầu tiên được phục dựng…

Sáng nay, tại Festival Huế 2008: Lần đầu tiên phục dựng lễ tế Đàn Xã Tắc ảnh 1
Tái hiện cảnh vua đang tiến hành lễ tế trên đàn Xã TắcẢnh: PHAN LÊ

Để tái hiện chính xác lễ tế tại Đàn Xã Tắc, ngay từ sáng sớm, cờ ở kỳ đài đã được kéo lên, các vị trí chuẩn bị bày sẵn. Nhà vua bước ra từ Đại Cung Môn, sau 7 phát súng lệnh phát lên ở kỳ đài, đoàn Ngự giá từ Ngọ Môn rẽ phải theo hướng đường 23-8, qua đường Lê Huân đến đường Trần Nguyên Hãn để đi vào Đàn Xã Tắc tiến hành lễ chánh tế.

Để cung thỉnh Hoàng thượng và đoàn Ngự giá, ở các giao lộ Lê Huân - đường 23-8,  Lê Huân - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trần Nguyên Đán đều có các bài vị dâng cúng; khi đoàn rước đi qua, các bô lão tại phường Thuận Thành, Thuận Hòa trong vai các quan địa phương đều chắp tay vái lạy, tạo ra không khí “rất thực”.

Vật phẩm dâng bày tế tại Đàn Xã Tắc chủ yếu là lúa gạo, hoa quả và tam sinh (dê, heo, bò).

Đàn Xã Tắc - nơi tế thần Đất (xã) và thần Lúa (tắc) - của triều Nguyễn được xây dựng vào tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806). Lễ tế Đàn Xã Tắc được xếp vào hàng “Đại tự”, cứ cách ba năm (vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng nên khi xây dựng đàn, triều đình đã buộc 28 dinh trấn trong cả nước nộp đất sạch về để đắp nên công trình này.

Theo các nhà nghiên cứu cũng như sử sách ghi chép lại, khi triều Nguyễn được lập nên, lòng dân khắp nơi vẫn chưa khuất phục dòng họ Nguyễn, thì việc xây dựng Đàn Xã Tắc bằng đất của cả nước có ý nghĩa tinh thần rất lớn, với hàm ý giang sơn thu về một mối, quốc gia đã thống nhất. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Đàn Xã Tắc bị xâm chiếm và xuống cấp nghiêm trọng …

Tại Festival 2008 lần này, lễ tế Đàn Xã Tắc đã được tái hiện nghiêm trang với quy mô hoành tráng, phát huy và tôn vinh giá trị của nhã nhạc cung đình - một di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Lễ tế Đàn Xã Tắc quy tụ 350 diễn viên và cũng như lễ tế Nam Giao, từ Ban tổ chức, quan khách, báo chí đều phải mặc áo dài khăn đóng khi tham dự.

 Được biết, việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc và phục hồi lễ tế Đàn Xã Tắc trong Festival 2008 là tiền đề cho việc khôi phục lại lễ tế quy mô như ngày xưa, nhằm góp phần xây dựng hồ sơ di tích, giữ hệ thống văn hóa vật chất của thành quách, cung điện, lâu đài, đền tạ... và tiến tới công nhận lễ tế Đàn Xã Tắc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nguyễn Hùng – Phan Lê

Tin cùng chuyên mục