Sáng tạo trẻ: Tự do hay tự tiện?

Quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, lớp nghệ sĩ trẻ ngày càng ngẫu hứng hơn với thực hành sáng tạo nghệ thuật, tự do và phá cách hơn khi thể hiện… Nhưng cũng từ đây, ranh giới giữa tự do và tự tiện, ngẫu hứng và tùy ý càng trở nên mong manh, khi có những sáng tạo thực hành ở những nơi chưa được cho phép.
Sự kiện nghệ thuật đường phố, trong đó có graffiti, do Viện Pháp tại TPHCM tổ chức Ảnh: Viện Pháp tại TPHCM
Sự kiện nghệ thuật đường phố, trong đó có graffiti, do Viện Pháp tại TPHCM tổ chức Ảnh: Viện Pháp tại TPHCM

Đúng và đẹp 

Chuyện 2 toa tàu Metro (đặt tại depot Long Bình, TP Thủ Đức, TPHCM) chưa khai thác đã bị xịt sơn bên ngoài khiến nhiều người bức xúc. Các hội nhóm trên mạng xã hội cũng để lại nhiều chiều ý kiến quanh vấn đề này. Qua hình ảnh, dễ thấy không phải là những đường sơn phun một cách vô tình, đây là kiểu thể hiện của graffiti - một loại hình nghệ thuật đường phố (hiểu đơn giản là cách vẽ bằng sơn phun, xịt lên tường/các bề mặt cứng) và đây là một hành động đáng trách.

Trong sự cởi mở và năng động của người trẻ hiện đại, graffiti và nghệ thuật đường phố ngày càng được đón nhận nhiều hơn. Tuy nhiên, những thực hành sáng tạo một cách nghiêm túc vẫn chưa áp đảo được câu chuyện nhân danh để “làm loạn”. “Tiệm sửa xe nhà tôi mở cửa có khi đến nửa đêm, vậy mà sáng ra mấy đường sơn xịt chữ Tây chữ u gì đó vô duyên hết sức trên cửa sắt. Phải chi cửa trầy sơn, hoen rỉ rồi sẵn tiện sơn xịt lại giùm thì tôi không nói. Tôi vừa sơn lại màu xám tuần trước, thì tuần này bị vẽ lên, tụi nhỏ hay nói nghệ thuật gì đó, chứ tôi thấy vô duyên”, anh Thanh Hùng (38 tuổi, chủ tiệm sửa xe trên đường Lê Hồng Phong, đoạn gần vòng xoay Lý Thái Tổ, quận 10) chia sẻ.

Trong sự tự do của graffiti, một số bạn trẻ tìm hiểu vài đường sơn, xịt và bắt đầu những thực hành sáng tạo, mà đôi khi tác phẩm là những chữ chửi thề, mang hàm ý phản cảm ở những bề mặt công cộng. Để che dòng chữ nhỏ “Đ…m…” vẽ cách điệu bằng sơn màu đỏ lên bức tường bên hông nhà, chị Nguyễn Phan Thùy Trang (35 tuổi, ngụ đường Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình) phải mất gần hai ngày nhờ thợ sơn lại.

“Tôi cũng thích mấy bộ môn nghệ thuật đường phố lắm, lần đầu có vài bạn xin phép vẽ ngẫu hứng cây xanh lên bức tường khá dễ thương nên tôi đồng ý. Vài tháng sau, không rõ là ai dùng sơn phun dòng chữ chửi thề. Tôi nhờ thợ sơn lại bức tường và làm hàng rào nhỏ quanh nhà luôn”, chị Trang kể.

Nghệ sĩ graffiti Lưu Đoàn Duy Linh (27 tuổi, giải nhất cuộc thi tài năng graffiti do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức vào năm 2021) bày tỏ: “Graffiti chính xác là để đánh dấu tên tuổi của người vẽ ngoài đường phố, để thỏa mãn cái tôi cá nhân của người vẽ. Là không gian đường phố, tự do nhưng trước khi vẽ một tác phẩm, tôi luôn xin phép ý kiến chủ nhà/người quản lý bức tường mà mình muốn vẽ và trao đổi về nội dung mình muốn vẽ với chủ nhân bức tường đó”. 

Vui thôi, đừng vui quá

Trong không gian mở của phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), không khó để bắt gặp những nhóm bạn trẻ ngẫu hứng với các trò chơi đường phố như trượt patin, xe điện thăng bằng. Đường trượt chuyên nghiệp hay nghiệp dư lẫn những cú té lật nhào đều có đủ, nhưng đáng nói hơn chính là màn ngẫu hứng khi một số bạn tự đặt thử thách lướt quanh người đi bộ trên phố, khiến không ít người một phen hú vía.

“Thấy nhóm bạn trượt patin là mình né từ xa rồi, vì không gian công cộng mà, mình cũng nên tránh sang một bên để các bạn tập luyện với nhau. Nhưng vài bạn đi đường trượt dài, cứ lượn quanh mình, khiến mình cũng sợ, vì mình té vào bạn hay bạn té vào mình thì chắc chắn cả hai đều chấn thương”, Huỳnh Thị Thảo Trang (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Không chỉ có ngẫu hứng của nghệ thuật đường phố, nghệ thuật nói chung luôn là mảnh đất cho sự sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, tự do sáng tạo và tư duy tùy tiện vốn là lằn ranh mong manh. Những bộ truyện cổ tích hay tiểu thuyết văn học được chuyển thể thành truyện tranh, các nhân vật dẫu xuất thân lam lũ hay nhân vật lịch sử nhưng lại mang dáng dấp truyện manga với sự phô diễn đường cong cơ thể đến phản cảm. Thậm chí để cả hình đại diện trang cá nhân trên mạng xã hội là bức tranh vẽ người đàn ông nude, xoáy mạnh vào bộ phận giới tính, họa sĩ 9X - H.T. lập luận: “Đó là cách vẽ và gu của riêng tôi, nếu không thích thì đừng kết nối hay kết bạn. Còn chuyện phản cảm hay không, tùy ở mỗi người, cá nhân tôi thấy rất bình thường”.

Rõ ràng, khi đã mang đến công chúng, hay thực hành ở không gian công cộng, hãy chú ý đến những giới hạn tự do hay tự tiện, ngẫu hứng hay tùy ý, đừng để cái tôi cá nhân quá lớn, đẩy sáng tạo của mình rơi vào phản cảm, nghệ thuật chỉ nhân danh cái đẹp chứ không bao che bất cứ sự tùy tiện nào.

Quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, lớp nghệ sĩ trẻ ngày càng ngẫu hứng hơn với thực hành sáng tạo nghệ thuật, tự do và phá cách hơn khi thể hiện… Nhưng cũng từ đây, ranh giới giữa tự do và tự tiện, ngẫu hứng và tùy ý càng trở nên mong manh, khi có những sáng tạo thực hành ở những nơi chưa được cho phép.

Tin cùng chuyên mục