Sao lại “khóa tình yêu”?

Sao lại “khóa tình yêu”?

(SGGP-TB).- Với câu thơ “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!” của nhà thơ Xuân Diệu, mỗi người chúng ta lại có câu trả lời riêng. Có người yêu say mê, ngọt ngào, đắng cay hòa lẫn vị chua xót… Có người yêu tha thiết, đằm thắm… Tất cả đều cùng làm nên một chữ “yêu”. Thế nhưng, tình yêu cũng như nắm cát trong tay, càng nắm chặt bao nhiêu cát lại càng rơi mất, càng xiết chặt bàn tay càng tuyệt vọng vì nhận ra mình “trắng tay”. Đó có phải tình yêu?

Có một cậu bé rất yêu chú sơn ca nhỏ hay hót trong vườn mỗi sáng. Cậu yêu chú chim đến nỗi muốn nó lúc nào cũng ở bên mình để có thể tận tay chăm sóc, để có thể ngắm chú sơn ca cất tiếng hát. Cậu bé tìm cách bắt chim sơn ca cho vào chiếc lồng rất đẹp, chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống… Hằng ngày cậu bé chơi đùa với chim, nhưng sao chú chim nhỏ vẫn luôn buồn bã, không cất tiếng hát, không ăn cũng chẳng uống. Một ngày cậu bé quên đóng cửa lồng, chú chim bay thẳng về phía cửa sổ, nơi có bầu trời xanh rộng mở. Cậu bé phát hiện và nhanh tay đóng cửa sổ lại.

Chú chim vẫn bay về cửa sổ thật nhanh và một cú va đập thật mạnh… Chú sơn ca nhỏ cố ngước nhìn bầu trời ngoài kia rồi lìa đời trong khát vọng tự do. Rõ ràng cậu bé rất yêu chú chim, nhưng cậu đã yêu không đúng cách. Cậu bé đã trói buộc chú sơn ca nhỏ, cậu yêu sơn ca ít hơn bản thân mình. Đó là sự ích kỷ, sự chiếm hữu chứ không phải là yêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: PHOTOLIBRARY

Ảnh minh họa. Nguồn: PHOTOLIBRARY

Và có lẽ bạn cũng không muốn mình là cậu bé hay chú sơn ca kia phải không? Tình yêu không thể trói buộc, không thể nắm chặt. Tình yêu là sự cảm nhận của trái tim, là sự tin tưởng, yêu thương một ai đó. Yêu nghĩa là tôn trọng nhau, là mở rộng tấm lòng đón nhận một ai đó đúng như con người họ. Cùng nhau sống trong tình yêu một cách dung hòa. Yêu mà muốn trói buộc nhau thì đó không phải là tình yêu mà chỉ là sự ích kỷ, hẹp hòi, là sự chiếm hữu một món đồ chơi.

Bạn có muốn trở thành một “món đồ chơi” hay được sở hữu một “món đồ chơi” không? Vậy thì đừng khóa chặt người mình yêu, cũng đừng khóa trái tim mình vì nếu bạn chỉ yêu được một người thì trái tim bạn cũng không thể là một trái tim khỏe mạnh được. Bạn sẽ quên bạn bè ư? Sẽ quên những sở thích những ước mơ của mình ư? Quên cha mẹ và gia đình thân yêu sao? Và có lẽ bạn cũng quay lưng với cô bé mồ côi xin ăn bên đường, bạn xa lánh cụ già tàn tật trên hè phố khi cụ xin bạn một đồng lẻ phải không? Nếu trái tim bạn bị khóa chặt như vậy tôi sẽ không yêu bạn đâu vì tôi sống không chỉ cho bạn mà tôi còn sống một cuộc đời riêng đầy hạnh phúc của mình.

Và nếu bạn vô cảm trước những gì gắn bó với cuộc sống của mình thì bạn cũng chẳng thể nào yêu tôi chân thành được. Tôi đang muốn nói đến những chiếc khóa tình yêu ở cầu Long Biên và ở nhiều nơi trên thế giới. Khi bạn nghĩ khóa chặt tình yêu của mình là bạn đang giết chết tình yêu của mình đấy. Như chú sơn ca nhỏ trong câu chuyện, tình yêu có một sự sống mà mỗi chúng ta phải vun đắp, trân trọng nó từng ngày. Bạn lo sợ điều gì mà phải khóa chặt? Bạn sợ tình yêu mình non kém không vượt qua được những phong ba của cuộc đời ư? Bạn sợ tình yêu của bạn sẽ tan biến chăng? Vậy bạn mong gì ở một tình yêu non kém như vậy? Và có lẽ đó không phải là một tình cảm thực sự. Chỉ có chiếc cầu đau lòng khi mỗi ngày nó trở nên nặng nề, xấu xí mất thẩm mỹ hơn vì những chiếc khóa.

Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu… Chẳng hạn: Bạn ở bên cạnh tôi trong những lúc tôi đau buồn tuyệt vọng nhất; khi mọi người quay lưng lại với tôi, bạn vẫn tin ở tôi… Tôi biết rằng bạn yêu tôi.

Không ai ngoài bạn biết tôi thường làm gì khi tôi buồn bã… Tôi biết là bạn quan tâm tôi.

Bạn là người tôi nghĩ đến khi vui cũng như khi buồn… Tôi biết là tôi cũng yêu bạn chân thành.

Vậy chúng ta làm tội những chiếc cầu, những cảnh đẹp làm gì khi trong tim mình luôn tràn đầy sự yêu thương, tin tưởng và tôn trọng nhau.

Bạn làm tôi nghi ngờ tình yêu của bạn hơn vì những “chiếc khóa tình yêu” đang dần hoen rỉ theo năm tháng cuộc đời.

Hương Giang (P.21, Q. Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục